Trong một phát biểu, Tổng thống Petro nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp về bất ổn nội bộ và khẩn cấp kinh tế đã được ban bố, trao cho chính quyền khu vực biên giới quyền hạn chế di chuyển, cùng các công cụ pháp lý khác để kiểm soát tình hình.

Cảnh sát điều tiết giao thông tại Bogota, Colombia. Ảnh minh họa

Theo Văn phòng thanh tra Colombia, nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong các cuộc đụng độ xảy ra tuần qua. Quân đội và chính quyền địa phương cho biết ít nhất 20 tay súng cũng đã thiệt mạng trong vụ bạo lực mới nhất xảy ra ở khu vực rừng rậm Guaviare.

Các cuộc đụng độ xảy ra giữa lực lượng Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và nhóm đối lập tách ra từ Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) giải thể năm 2016. Địa điểm xảy ra đụng độ là tại Catatumbo, khu vực giáp giới với Venezuela, khiến khoảng 100 người thiệt mạng tính đến nay. Bạo lực leo thang đã buộc Tổng thống Gustavo Petro phải đình chỉ tiến trình hòa đàm với ELN ngày 17-1, cáo buộc nhóm vũ trang này không có thiện chí hòa bình.

Sau khi FARC ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia năm 2016, nhiều khu vực từng do lực lượng này chiếm đóng đã rơi vào tình trạng không có cơ quan quản lý, tạo cơ hội cho ELN mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Trong khi đó, không phải thành viên nào trong FARC cũng đồng ý tham gia thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia. Một số nhóm bất đồng chính kiến tiếp tục hoạt động vũ trang và tìm cách kiểm soát các khu vực chiến lược. Chính điều này đã dẫn đến các cuộc đụng độ trực tiếp giữa ELN và những nhóm tách ra từ FARC ở những khu vực giàu tài nguyên về dầu mỏ, mỏ khoáng sản hay các tuyến đường buôn bán ma túy.

Tin, ảnh: TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.