Kiến trúc sư Ieoh Ming Pei sinh ngày 26-4-1917 tại Trung Quốc, trong một gia đình giàu có. Cha ông làm việc trong ngành ngân hàng, còn mẹ ông là nghệ sĩ thổi sáo và viết thư pháp. Bà cũng là người đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp sau này của ông. Bất kể việc không nói giỏi tiếng Anh, ông Pei vẫn chọn học cao học tại Mỹ và đã tới San Francisco năm 1935 để học tập.
Sau khi hoàn thành chương trình học kiến trúc tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Havard, ông Pei lập nghiệp với nghề kiến trúc tại New York từ năm 1955. Kiến trúc sư Pei từng chia sẻ, ông hàm ơn sự ảnh hưởng từ các học giả nổi tiếng theo chủ nghĩa hiện đại như Walter Gropius, Marcel Breuer, Alvar Aalto và Le Corbusier.
Mặc dù gần như dành trọn cuộc sống và làm việc tại Mỹ, tên tuổi của kiến trúc sư Pei lại luôn được nhắc tới khi nói về một công trình tiêu biểu nhất của ông tại châu Âu. Đó là kiến trúc Kim tự tháp bằng kính và kim loại tại lối vào bảo tàng Louvre tại Paris (Pháp), xây dựng vào những năm 1980, khánh thành năm 1989.
Theo RFI, ngày 31-7-1981, vừa mới đắc cử, Tổng thống François Mitterand đã nhận được một tờ trình của tân Bộ trưởng Văn hóa lúc bấy giờ là ông Jack Lang đề nghị biến Louvre thành một bảo tàng lớn nhất thế giới. Đích thân Tổng thống Mitterand sau đó quyết định chọn một trong nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ là kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa, ông Ieoh Ming Pei. Ông Pei là kiến trúc sư nước ngoài đầu tiên tham gia công tác thiết kế kiến trúc trong lịch sử dài của bảo tàng Louvre.
 |
Kiến trúc sư Ieoh Ming Pei đứng trước công trình Kim tự tháp bằng kính do ông thiết kế năm 1989. Ảnh: AP.
|
Năm 1983, bản mẫu thiết kế đã được hai cha con kiến trúc sư bí mật trình riêng lên Tổng thống F.Mitterand tại Điện Élysée. Ông Ching Chung Pei, con trai vị kiến trúc sư, có tham gia vào dự án, thuật lại sự việc: “Chúng tôi nhận được chỉ thị không cho bất kỳ ai biết mô hình mẫu, không một ai hết! Mọi việc phải được giữ bí mật! Thế là, khi gặp Tổng thống F.Mitterand, cha tôi đã rút từ trong túi áo một chiếc Kim tự tháp và đặt như thế này. Ông không muốn người khác biết về đề xuất kiến trúc của mình và Tổng thống Pháp đã đồng ý ngay lập tức”.
Thiết kế của ông Ieoh Ming Pei đã bị phản đối gay gắt. Tuy nhiên, Tổng thống F.Mitterand quyết tâm xây dựng công trình kiến trúc đặc biệt này. Theo đó, toàn bộ kim tự tháp được xây bằng kính cùng các khớp nối kim loại, cao 20,6 m với đáy hình vuông mỗi cạnh 35 m. Kim tự tháp này gồm tổng cộng 603 tấm kính hình thoi và 70 tấm hình tam giác. Ngày 31-3-1989, Tổng thống F.Mitterand đã cắt băng khánh thành Kim Tự Tháp bằng kính tại Bảo tàng Louvre.
Sau 30 năm tồn tại, đến nay Kim tự tháp bằng kính vẫn sừng sững giữa sân điện Louvre, uy nghi lộng lẫy như lúc ban đầu. Tác phẩm của nhà kiến trúc Ieoh Ming Pei được nhất trí ca tụng là một thành công lớn. Năm 2018, bảo tàng Louvre vui mừng cho biết đã vượt ngưỡng 10 triệu lượt khách đến tham quan.
Ngoài Kim tự tháp bằng kính ở bảo tàng Lourve Paris, Ieoh Ming Pei còn là “cha đẻ” các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như tòa nhà Bank of China nổi bật ở Hong Kong, khu phố Raffles giàu có tại Singpore, Tòa nhà phía đông của Viện bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Mỹ… Với những cống hiến cho ngành kiến trúc thế giới, năm 1983, kiến trúc sư Ieoh Ming Pei được trao giải thưởng Pritzker, được xem như giải “Nobel” trong lĩnh vực kiến trúc.
PHƯƠNG LINH (theo Le Monde, Figaro)