QĐND - Từng có cái “bắt tay” được hoan nghênh, nhưng lần này cái “bắt tay” của hai “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới là Facebook và Google phải hứng búa rìu mạnh mẽ, có nguy cơ đối mặt với khoản phạt khổng lồ nếu thực sự có vi phạm...
11 bang của Mỹ mới đây đã nộp đơn kiện Google “bắt tay” với Facebook để cạnh tranh không lành mạnh, nhằm loại bỏ các đối thủ trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Hai hãng này đã có một thỏa thuận từ năm 2018, theo đó, khách hàng quảng cáo của Facebook được tùy chọn đặt quảng cáo trong mạng lưới đối tác xuất bản của Google. Chẳng hạn, một trang bán giày thể thao sử dụng phần mềm của Goolge để bán quảng cáo có thể tạo ra doanh thu từ một nhà bán lẻ giày dép mua quảng cáo trên Facebook. Ngoài ra, hành vi khiến hai hãng này bị “soi” là Google không thông báo công khai việc Facebook đồng ý ngưng hỗ trợ các phần mềm cạnh tranh để củng cố sức mạnh thị trường cho Google.
 |
Google và Facebook đang đối mặt với cáo buộc độc quyền. Ảnh: Daily mail. |
Theo thỏa thuận hai bên cùng có lợi này, Facebook cũng nhận được những lợi ích như có quyền truy cập vào dữ liệu của Google, hưởng các ngoại lệ về chính sách cho phép khách hàng của Facebook được đặt quảng cáo nhiều hơn một cách không công bằng so với khách hàng của các đối tác khác của Google. Đơn kiện cũng khui ra chuyện Google và Facebook cùng nhau ấn định giá quảng cáo và hiện việc làm sai phạm này vẫn tiếp diễn.
Tổng công tố Ken Paxton của tiểu bang Texas đã cáo buộc Google “sử dụng sức mạnh để thao túng thị trường”. Phần mềm của Google không chỉ có khả năng tìm kiếm mà còn xác định những kết quả nào bị trả về và quảng cáo nào sẽ được hiển thị. Các công ty sẽ phải đấu giá để được hiển thị quảng cáo trên Google. Lợi dụng ưu thế công nghệ này, Google đã tùy chọn bên thắng cuộc trong các cuộc đấu giá quảng cáo, nhằm gia tăng lợi nhuận từ bán quảng cáo cũng như lợi thế trong tìm kiếm trực tuyến.
Ông Ken Paxton cho rằng, về cơ bản, Google đang giao dịch thông tin nội bộ với việc thuyết phục Facebook đồng ý với một thỏa thuận làm suy yếu bản chất của cạnh tranh. “Nếu đây là trận bóng chày, thì Google vừa là người ném bóng, vừa là người đánh bóng và thao túng cuộc chơi”, Tổng công tố Ken Paxton chỉ trích.
Đáp lại những cáo buộc trên, cả Google và Facebook đều có chung lập luận rằng, giá quảng cáo kỹ thuật số và phí công nghệ quảng cáo đã giảm và đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường quảng cáo này đang có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, chính các công ty internet khác cũng đề xuất sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng như Amazon, Tripadvisor, Yelp đã chỉ trích Google ưu ái các đề xuất của chính mình trong các kết quả tìm kiếm.
Theo những cách thức thao túng trên, hai “gã khổng lồ” công nghệ Google và Facebook cùng nhau nắm giữ hơn một nửa thị trường quảng cáo trực tuyến toàn cầu. Riêng Google được dự báo sẽ chiếm khoảng 30% thị trường quảng cáo ở Mỹ có tổng giá trị lên đến 42,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sẽ khó chứng minh được Google độc quyền vì phần lớn dịch vụ của hãng này là miễn phí.
Việc các tập đoàn tìm cách gia tăng lợi nhuận, kể cả việc bất chấp luật pháp vốn không có gì ngạc nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là, hành vi thao túng thị trường và vi phạm các quy định chung trên “sân chơi” công nghệ và thương mại toàn cầu đang làm xói mòn trật tự và các quy ước chung nhằm hướng tới tạo sân chơi bình đẳng. Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra tuyên bố, sự thống trị thị trường của Google khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lựa chọn khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet. Bằng cách sử dụng các thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, Google đã kìm hãm sự cạnh tranh, vốn là động lực của sự phát triển và thao túng thị trường quảng cáo.
Còn nhớ trước đây, chính Google cũng từng công bố một loạt “nguyên tắc đạo đức” quy định cho hoạt động của tập đoàn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, Google sẽ không phát triển những ứng dụng vi phạm “các quy phạm được quốc tế thừa nhận” hoặc các ứng dụng vi phạm “các nguyên tắc luật pháp quốc tế và nhân quyền đã được thừa nhận rộng rãi”.
Bởi vậy, chưa biết đúng sai sau vụ kiện của 11 bang ở Mỹ thế nào, Google và Facebook cũng sẽ phải xem xét lại các hành vi của mình, nếu không muốn bị ảnh hưởng tới uy tín và “đạo đức kinh doanh” tiếp tục bị đặt dấu hỏi.
MỸ HẠNH