Theo The Washington Post, các quan chức Mỹ nhận định Omicron có thể sẽ “châm ngòi” cho một làn sóng lây nhiễm mới ngay trong tháng tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 15-12 cho biết, Omicron có khả năng sẽ trở thành biến thể thống trị tại Liên minh châu Âu vào giữa tháng 1 tới đây. Các quan chức WHO cũng thông tin, trong tuần này Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia mới nhất ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tính riêng ở lãnh thổ Mỹ, Alaska, Nevada, New Hampshire và New Mexico là những bang mới nhất ghi nhận các ca nhiễm Omicron đầu tiên.

Omicron lan ra 77 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa: DW.com.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cập nhật số liệu cho biết hiện 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo các ca nhiễm Omicron. Tuy nhiên, trên thực tế, rất có thể Omicron đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện. “Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt, điều mà chưa từng thấy ở bất kỳ biến thể nào trước đó”, Tổng giám đốc WHO nhận định.

Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy Omicron ít gây triệu chứng bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó, mặc dù nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng Omicron cũng có khả năng kháng vắc xin Pfizer-BioNTech.

Kết quả nghiên cứu đó một lần nữa khẳng định lại những nhận định của Anthony S. Fauci, cố vấn y tế cao cấp của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cho rằng các ca nhiễm Omicron gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Omicron hoàn toàn có thể gây ra các triệu chứng bệnh nặng, bà Maria Van Kerkhove nhận định. Ảnh: WHO.int.

Tuy nhiên, theo CNBC, WHO ngày 15-12 đã lên tiếng cảnh báo tâm lý cho rằng biến thể Omicron chỉ là một chủng nhẹ, đồng thời nhấn mạnh rằng chủng mới này cũng sẽ gây ra các triệu chứng bệnh nặng.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết: “Những người bị nhiễm Omicron có thể mắc toàn bộ các triệu chứng bệnh, từ không có triệu chứng đến nhẹ, cho đến chuyển nặng, dẫn tới tử vong”.

Đặc biệt, Omicron đang lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào trước đó. “Do vậy, việc lây truyền gia tăng sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân phải nhập viện hơn, gây gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe, và có thể dẫn đến số ca tử vong nhiều hơn”, bà Kerkhove chia sẻ.

Các quốc gia phát triển đang khuyến khích người dân tiêm phòng tăng cường. Ảnh minh họa: CNBC.com.

Khi biến thể này lan rộng, các quan chức y tế Mỹ và những người đồng cấp ở các quốc gia phát triển đang khuyến khích người dân tiêm phòng tăng cường. Một số quốc gia khác cũng đang tăng tốc các chiến dịch tăng cường của họ bằng cách giảm thời gian khoảng cách giữa các mũi tiêm.

Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về vắc xin. Châu Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, mới chỉ đạt chưa tới 10% tỷ lệ tiêm chung cho 1,2 tỷ dân của mình.

Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả vắc xin giảm về phòng ngừa bệnh đối với biến thể Omicron, nhưng điều đó không có nghĩa là vắc xin không còn tác dụng. “Các loại vắc xin đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn bệnh chuyển nặng và tử vong”, bà Kerkhove nhận định.

MINH ANH (tổng hợp)