Ngày 5-10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố số lượng đầu đạn hạt nhân nước này dự trữ. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9-2020, nước này duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân kích hoạt và chưa kích hoạt.
Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ nối lại công bố số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này đang có, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump chỉ đạo dừng việc công bố dữ liệu này vào 4 năm trước.
Theo đó, số lượng đầu đạn hạt nhân giảm của Mỹ giảm 55 đầu đạn so với năm 2019 và giảm 72 đầu đạn so với năm 2017.
Số lượng đầu đạn nêu trên là mức thấp nhất kể từ khi kho dự trữ hạt nhân của Mỹ đạt đỉnh vào năm 1965, với tổng số 31.255 đầu đạn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
 |
Số đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ảnh: AFP. |
"Việc tăng tính minh bạch kho dự trữ hạt nhân của các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực không phổ biến và giải trừ quân bị", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, theo AFP.
Việc Washington công bố số lượng đầu đạn hạt nhân diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tái khởi động đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga, sau thời gian đình trệ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong 4 năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga, thay vào đó là thỏa thuận New Start vào năm 2020.
Thỏa thuận này nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga nắm giữ, dự kiến hết hạn vào tháng 2-2022.
Ngay khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đã đề xuất gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), và Tổng thống Nga Putin nhanh chóng đồng ý. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà mỗi nước triển khai không quá 1.550.
Tuần trước, các nhà ngoại giao Nga và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán ở Geneva để bắt đầu thảo luận về một hiệp ước khác thay thế New START, cũng như các biện pháp kiểm soát vũ khí thông thường. Cả hai bên cho rằng việc tổ chức các cuộc đàm phán này là dấu hiệu tích cực.
LÊ ANH (Theo AFP)