Tối 10-9, giờ địa phương (tức sáng 11-9, giờ Hà Nội), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) ở Philadelphia, Pennsylvania.

Lần đầu tiên kể từ năm 2016, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã bắt tay nhau vài giây trước khi bắt đầu cuộc tranh luận đầu tiên (và có lẽ là duy nhất). Theo đó, Phó tổng thống Harris, bước vào sân khấu từ phía bên phải, trong khi cựu tổng thống Trump bước vào từ phía bên trái. Bà Harris bước về phía bàn của đối thủ, có chút do dự trước khi đưa tay ra. Ông Trump cũng chìa tay nắm lấy, thậm chí siết nhẹ tay bà Harris.

leftcenterrightdel

Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris chủ động tới bắt tay ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AFP 

Cử chỉ tưởng chừng như không đáng kể này thực ra lại có ý nghĩa rất lớn. Cái bắt tay cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống là vào năm 2016 trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary Clinton.

Vài phút sau khi bắt đầu cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống, một cố vấn của bà Harris đã tiết lộ với tờ New York Times rằng, Phó tổng thống mới quyết định bắt tay đối thủ của mình chỉ trong ngày hôm nay.

Với sự chủ động của mình, bà Harris tươi cười muốn chứng tỏ rằng bà đang kiểm soát hoặc thậm chí thống trị tình hình khi đối mặt với đối thủ Donald Trump và khiến ông bất ngờ. Bà Harris cũng công bố tên của mình, giới thiệu bản thân không chỉ với đảng viên đảng Cộng hòa lần đầu tiên bà gặp trong bối cảnh này, mà còn với hàng triệu người Mỹ chưa biết hoặc chưa biết rõ về bà.

Theo một cuộc khảo sát được tờ New York Times công bố vào ngày 8-9, 28% cử tri tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 cần biết rõ hơn về cựu công tố viên bang California, trong khi chỉ có 8% nói điều tương tự về ông Trump.

Cuộc tranh luận do hãng tin ABC News điều phối với thời lượng khoảng 90 phút và không có khán giả trực tiếp. Theo quy tắc tranh luận, hai bên đồng ý tắt micro khi chưa tới lượt phát biểu. Hai ứng cử viên không được phép mang theo đạo cụ hay giấy ghi nhớ, nhưng sẽ có sẵn một chai nước, một cây bút và một tập giấy. Ứng cử viên không được biết trước chủ đề tranh luận. Mỗi người sẽ có 2 phút để trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình, 2 phút để phản biện và 1 phút trả lời thêm nếu cần. Tuy nhiên, 2 ứng cử viên không được đặt câu hỏi cho nhau và cũng không được phép tiếp xúc với đội ngũ tranh cử trong suốt buổi tranh luận. 

Dự kiến, nội dung cuộc tranh luận sẽ xoay quanh những vấn đề mà người dân Mỹ đang quan tâm như vấn đề kinh tế, nhập cư, vấn đề phá thai, chính sách đối ngoại, đặc biệt là các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Hamas-Israel.

Theo AFP, các cuộc tranh luận trên truyền hình hiếm khi mang tính quyết định trong cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng nếu gây ra sai sót, ứng viên đó sẽ làm khó khăn cho chính mình khi thu hút cử tri bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

PHƯƠNG LINH (theo huffingtonpost.fr)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.