Ngày 8-11 năm nay (theo giờ địa phương), bên cạnh việc bầu chọn người chèo lái "con thuyền" nước Mỹ trong 4 năm tới, khoảng 200 triệu cử tri Mỹ cũng sẽ đi bỏ phiếu để bầu toàn bộ số nghị sĩ Hạ viện, 1/3 số nghị sĩ Thượng viện và thống đốc các bang.
Cuộc chạy đua giành ghế tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ được đánh giá đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai chính trị, kinh tế và xã hội của "xứ sở cờ hoa".
Trong mùa bầu cử năm nay, cử tri sẽ đi bầu 469 ghế trong Quốc hội Mỹ, bao gồm 34 ghế trong Thượng viện và 435 ghế trong Hạ viện. Cuộc tranh cử vào hai viện của Quốc hội Mỹ cũng nóng không kém cuộc bầu cử Tổng thống. Tại Thượng viện 100 ghế, hiện đảng Cộng hòa đang nắm quyền chi phối với tỷ lệ 54 - 46. Đảng Dân chủ cần bảo toàn số ghế hiện có và giành thêm 5 ghế để trở thành phe đa số kiểm soát Thượng viện. Đây được coi là một nhiệm vụ khả thi khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đại diện của hai đảng tại các bang vốn thuộc Cộng hoà như Illinois (I-li-noi), Indiana (In-đi-a-na), Missouri (Mi-sâu-ri), New Hampshire (Niu Hem-sai), North Carolina (Ca-rô-lai-na Bắc), Pennsylvania (Pen-xin-va-ni-a) và Wisconsin (Uyn-cô-xin) có sự ủng hộ cân bằng nhau. Nhiệm vụ của đảng Dân chủ sẽ còn nhẹ nhàng hơn nếu ứng cử viên tổng thống của đảng là bà Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) đắc cử. Khi đó đảng Dân chủ chỉ cần thêm 4 ghế để tạo ra cục diện 50 - 50 và Phó Tổng thống Tim Kaine (Tim Kên), với tư cách Chủ tịch Thượng viện Mỹ, sẽ can thiệp mỗi khi không bên nào chiếm thế đa số sau bỏ phiếu.
Trong khi đó, Hạ viện 435 ghế cũng là một "chiến trường khốc liệt" nếu một đảng giành chiến thắng kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện. Hiện phe Cộng hòa đang nắm giữ đa số ghế tại Hạ viện với tỷ lệ 247-188. Phe Dân chủ cần giành được 30 ghế để có thể chi phối Hạ viện song điều này được cho là bất khả thi. Việc giành được 30 ghế tại Hạ viện đồng đòi hỏi đảng Dân chủ phải giành chiến thắng gần như mỗi bang mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ. Ngoài ra, một số nghị sĩ Cộng hòa có uy tín hiện đang nắm giữ tại các bang vốn là thành trì của đảng Dân chủ cũng khó có khả năng bị đánh bại. Giới quan sát dự đoán đảng Dân chủ có thể sẽ giành thêm từ 12 đến 15 ghế, nhưng chưa đủ để giành lại thế đa số tại đây và đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Dự kiến, cuộc bỏ phiếu sẽ bắt đầu vào lúc 00:00 ngày 8-11 và kết thúc vào 24 giờ (giờ miền Đông nước Mỹ). Truyền thông hy vọng có thể dự đoán kết quả vào khoảng 22 giờ sau khi các bang quan trọng hoàn tất việc bỏ phiếu. Với một loạt các vấn đề quan trọng đang chờ được giải quyết, bao gồm cơ sở hạng tầng chăm sóc y tế quốc gia, trần nợ công cũng như vô số các vấn đề an ninh quốc tế đang nổi lên, việc bầu ra Quốc hội cho nhiệm kỳ tiếp theo mang ý nghĩa quyết định cho việc định hình những chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ.
Theo TTXVN
Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do cử tri (voter) trực tiếp bầu. Lá phiếu của cử tri gọi là lá phiếu phổ thông, tuy vẫn bầu cho các ứng cử viên tổng thống, song chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình.
Ngày 7-11, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đơn vị phụ trách quyền dân sự sẽ được triển khai tại các điểm bỏ phiếu ở 28 bang của nước này để giám sát cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, tăng 5 bang so với cuộc bầu cử hồi năm 2012.
Trong bối cảnh chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử, cả hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) và Donald Trump (Đô-nan Trăm) của đảng Cộng hòa đều nỗ lực thực hiện các cuộc vận động tranh cử tới những phút cuối cùng nhằm củng cố chiến thắng tại các bang truyền thống và thuyết phục lá phiếu của cử tri tại các bang còn do dự.
Chỉ còn 5 ngày nữa là cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ sẽ diễn ra nhưng đến nay đã có 33 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, trong đó có 15 triệu cử tri của 12 bang được coi là còn do dự. Các cuộc thăm dò dư luận tiến hành hàng ngày tiếp tục cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) dẫn trước ứng cử viên Donald Trump (Đô-nan Trăm) của đảng Cộng hòa với một cách biệt.
Ngày 2-11, Reuters/Ipsos công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã tái lập ưu thế dẫn trước 6 điểm so với đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump về tỷ lệ ủng hộ trong số các cử tri có khả năng đi bầu, ngang với mức dẫn trước mà bà Clinton đã duy trì trước khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố nối lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử thời kỳ bà còn giữ chức Ngoại trưởng.