Chuyên gia phân tích an ninh của hãng tin CNN, ông P. Bơ-ghen (Peter Bergen) cho rằng, một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan được đưa vào tầm ngắm là phiến quân Tre-xni-a - tổ chức luôn đối đầu và thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố trên nước Nga từ thế kỷ thứ 19.
Năm 2002, các tay súng Tre-xni-a đã đột kích một nhà hát ở Mát-xcơ-va, bắt giữ hàng trăm con tin và làm thiệt mạng 130 người. Hai năm sau, những kẻ khủng bố Tre-xni-a đánh bom nhà ga tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va, giết chết 39 người. Năm 2004, các tay súng ly khai Tre-xni-a còn bắt giữ hàng trăm học sinh tại một ngôi trường ở Bê-xlan. Nga đã buộc phải dùng cả xe tăng để trấn áp các tay súng trong vụ việc này, kết quả hơn 300 người đã thiệt mạng.
An ninh ở Xanh Pê-téc-bua được tăng cường sau vụ đánh bom tàu điện ngầm. Ảnh: AFP
Lực lượng này tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu vào nước Nga suốt những năm sau đó. Như năm 2009, các tay súng được cho là dưới sự chỉ đạo của một nhóm hồi giáo do thủ lĩnh người Tre-sni-a Đ.U-ma-rốp (Doku Umarov) cầm đầu, đã tiến hành một vụ đánh bom liều chết trên một chuyến tàu nhanh nối Xanh Pê-téc-bua và Mát-xcơ-va, cướp đi sinh mạng 28 người. Nhóm của U-ma-rốp cũng đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công sân bay Domodedovo ở Mát-xcơ-va vào năm 2011, khiến 37 người thiệt mạng.
Không chỉ có các phần tử cực đoan Tre-xni-a, một nhóm khác cũng giữ mối hận thù với Nga trong thời gian gần đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chúng cũng thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Nga kể từ khi Mát-xcơ-va đem quân đội và phương tiện tới Xy-ri, hỗ trợ chính quyền Tổng thống B. An Át-xát (Bashar al-Assad) trong các chiến dịch tấn công IS và các nhóm khủng bố khác. Điều đáng ngại là ngày càng có nhiều tay súng Tre-xni-a gia nhập hàng ngũ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và là một trong những nhóm nước ngoài đông đảo nhất tham chiến ở Xy-ri.
Vào tháng 6-2015, IS thông báo thành lập một “tỉnh” tại vùng Cáp-ca-dơ thuộc nước Nga, dấy lên quan ngại xuất hiện nguy cơ khủng bố. Và sự thực là tổ chức này nhanh chóng triển khai hoạt động tại Cáp-ca-dơ. Tháng 9-2015, IS tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công vào một doanh trại quân đội Nga ở phía nam Đa-ghe-xtan. Ba tháng sau, chúng lại thực hiện một vụ tấn công khác, làm 1 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương tại Thành cổ Derbent. Đến tháng 8-2016, IS tuyên bố thực hiện cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Nga ở ngoài phạm vi Cáp-ca-dơ. Hai người đàn ông đã tấn công một đồn điều tiết giao thông ở Mát-xcơ-va. Hai đối tượng đã bị cảnh sát tiêu diệt, song IS đăng tải đoạn video ghi lại cảnh các đối tượng đó đọc lời thề trung thành với thủ lĩnh IS A.Bát-đa-đi (Abu Bakr al Baghdadi).
Nhiều báo cáo cũng cho biết, IS còn có kế hoạch tiến hành các vụ tấn công bên ngoài vùng Cáp-ca-dơ cũng như có ý định tổ chức các cuộc thánh chiến ở những thành phố lớn của Nga ở Xanh Pê-téc-bua và Mát-xcơ-va. Người ta vẫn chưa quên vào ngày 31-10-2015, IS đã đánh bom chiếc máy bay chở khách của Nga đưa hành khách đi nghỉ mát từ Xi-nai, Ai Cập đến Xanh Pê-téc-bua, giết chết 224 người.
Chia sẻ với RT hôm 4-4, cựu quan chức tình báo MI5 của Anh, ông A. Ma-con (Annie Machon) nhận định: "Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là vụ tấn công mang phong cách của IS". Khi được hỏi về việc tại sao thủ phạm lại chọn Xanh Pê-téc-bua là địa điểm tổ chức tấn công, ông Ma-con cho rằng: "Đây được xem là hành động phô trương khả năng IS có thể tiến hành các cuộc tấn công ở bất cứ khu vực trung tâm của đất nước nào. Đúng ngày xảy ra vụ nổ, Tổng thống Nga cũng có mặt ở Xanh Pê-téc-bua và đây còn là quê nhà của nhà lãnh đạo Nga". Ông Ma-con còn gọi đây là "một cuộc tấn công đậm chất PR". Cựu Đại sứ Anh ở Xy-ri, ông P. Phót (Peter Ford) cũng cho rằng, những kẻ tấn công muốn thu hút sự chú ý của dư luận. "Tại sao vụ nổ lại xảy ra ở Xanh Pê-téc-bua và rất có thể sẽ là Mát-xcơ-va. Điều này cho thấy thủ phạm muốn gây ra vụ tấn công với con số thương vong lớn và thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông", ông Phót nhận định. Trong khi đó, nhà báo Nây Clác (Neil Clark) thì cho rằng, việc bảo đảm an ninh ở nhà ga tàu điện ngầm phức tạp hơn nhiều so với bảo vệ sân bay, nơi có các cổng an ninh phát hiện kim loại. “Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã có những biện pháp thắt chặt an ninh ở những thành phố lớn và hạn chế tối đa cơ hội để các kẻ tấn công tiếp tục gây án”, ông Clác nói.
Hôm 4-4, giới chức điều tra đã xác định được một nghi phạm thực hiện vụ tấn công là một thanh niên 22 tuổi người Cư-rơ-gư-xtan mới đây đã nhập quốc tịch Nga. Hồi năm ngoái, Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) cho biết, số lượng công dân từ Nga và các nước thuộc khối Liên Xô (trước đây) rời bỏ đất nước để tới đầu quân cho lực lượng khủng bố ở Xy-ri và I-rắc, đã lên tới con số 5.000-7.000 người. Khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo thua đau trên chiến trường I-rắc và Xy-ri, đông đảo các tay súng IS người Nga vẫn còn sống có thể cố tìm cách “chuyển lửa về quê nhà”. Với 30.000 tay súng nước ngoài đã và đang chiến đấu dưới ngọn cờ IS ở Xy-ri và I-rắc, Nga và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ có cả “một núi công việc” nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố dày dạn kinh nghiệm trận mạc này về quê “châm lửa đốt nhà”.
MINH NGUYÊN