Ông Sean Doyle (bên phải) Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam

QĐND Online- Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, ông Sean Doyle đã khẳng định như vậy trong buổi họp báo về vấn đề “Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại biểu thuế nhập khẩu dành cho các nước nghèo nhất”, ngày 12-6 tại Hà Nội.

Việt Nam có ảnh hưởng khi bị xoá bỏ GSP?

Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) của EC được đánh giá theo chu kỳ 10 năm, qua đó, trong mỗi chu kỳ những hướng dẫn chung sẽ được công bố. Chu kỳ hiện tại chi phối giai đoạn từ 2006-2015. Trong vòng các giai đoạn 10 năm này, hệ thống GSP được triển khai dựa trên các Quy chế của Hội đồng châu Âu. Quy chế hiện tại sẽ hết vào cuối năm nay (2008), một bản đề suất mới cho Quy chế Hội đồng trong giai đoạn 2009-2011 đã được EU thông qua vào tháng 12-2007. Quy chế này giờ đây đã được Hội đồng châu Âu chấp thuận, sẽ cho phép các chủ thể vận hành kinh tế liên quan trong vòng sáu tháng để thích nghi với những điều khoản mới.

Trong buổi họp báo, phần lớn ý kiến đưa ra đều xoay quanh việc quy chế mới này đã gây trở ngại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: giầy dép và dệt may… Ông Sean Doyle cho biết: ngành giầy dép Việt Nam đã vượt mức hạn chế này trong một khoảng thời gian dài (hiện tại xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào EU đã chiếm khoảng 19% tổng mức xuất khẩu giầy dép của tất cả các nước hưởng GSP của EU). Vì vậy, đáng lẽ Việt Nam đã phải “tốt nghiệp” GSP từ giai đoạn 2005-2008.

Việc “tốt nghiệp” hệ thống GSP:

Quy chế GSP được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích xuất khẩu của những nước đang phát triển sang EU nhằm tăng cường hơn nữa sự phát triển và vững mạnh của các nền công nghiệp trong nước của những nước này. Nhằm hỗ trợ những nước và các khu vực kinh tế của những nước đang phát triển vốn rất ưu đãi, quy chế GSP xem xét tới trình độ phát triển các nước đã được. Do đó, quy chế này quy định rằng một khi xuất khẩu của một nhóm ngành hàng của một nước chiếm trên 15% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm ngành hàng đó đến từ tất cả các nước GSP, quốc gia đó được xem đã đạt được một mức độ cạnh tranh nhất định và do vậy không cần thiết được hưởng ưu đãi nữa. Theo đó, ngành hàng kể trên sẽ bị loại khỏi nhóm được hưởng lợi ích của GSP và quá trình này được gọi là “tốt nghiệp” GSP

Ông Sean Doyle cho biết: “Cách đây 3 năm có nửa triệu người Việt Nam trong ngành giày dép sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng đến nay, tôi không thấy có ảnh hưởng nào trong xuất khẩu mà còn rất tốt. Con số này tăng lên cho thấy ngành này đang phát triển, do đó thật bất công nếu ngành giày da Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi trong khi có nhiều nước nghèo hơn các bạn và chậm phát triển hơn lại chưa được hưởng GSP”. Khi được hỏi về mức 49 % thuế được coi là mức sai số khiến người ta rất dễ chấp nhận được, EU đưa ra qui định không nói rõ là 3 năm hay từng năm một, các nước khác bị đánh giá có môi trường thương mại bình thường trong khi Việt Nam bị đánh giá môi trường này méo mó có thoả đáng không, tác động của nó đối với các công ty giày da và dệt may như thế nào... Ông Sean Doyle nhấn mạnh: Việt Nam không nên nghĩ đến các cơ chế bảo hộ toàn bộ nữa; đây không phải là giải pháp cho riêng Việt Nam. EU đã xét duyệt kỹ các qui chế sản xuất không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của hơn 100 quốc gia được hưởng GSP và sẽ được 25 thành viên của EU xem xét lại rất kỹ. 5 năm trước, EU đã áp dụng 50 % GSP ưu đãi cho Việt Nam nhưng bây giờ không thể làm thế được vì các nước khác sẽ kiện EU ra tòa. EU đang cân nhắc các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam và sắp tới sẽ tài trợ cho Việt Nam gói 20 triệu Euro. Đàm phán FTA (Hiệp định tự do thương mại song phương) mới là quan trọng, phải có giải pháp tạm thời cho Việt Nam, chứ không nên chỉ bám vào GSP dành cho các nước quá nghèo trong khi mức tăng GDP của Việt Nam, tuy giảm nhưng cũng ở mức 7 %, là điều mơ ước của nhiều nước khác. Tôi không tin rằng GDP của Việt Nam sẽ xuống tới mức 5%. Tuy Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhưng không nên đặt mình vào tình trạng của một nước chỉ thích nhận những ưu đãi vì giờ đây chỉ có ngành giày da bị ảnh hưởng trong khi Việt Nam không cần những bảo hộ thương mại tạm thời.

Việt Nam đã “tốt nghiệp” hệ thống GSP!

“Việc xem xét lại Hệ thống GSP đã khẳng định thành công của Việt Nam trong đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU và giảm sự phụ thuộc vào một số mặt hàng chính. Như vậy, lần xem xét này cho thấy sự vững mạnh và khả năng cạnh tranh của ngành giầy da Việt Nam”, ông Sean Doyle đã tuyên bố trong buổi họp báo.

Theo số liệu 2004-2006 (do GSP đánh giá), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam nằm trong GSP đã tăng lên 4,20%. Số liệu năm 2007 tiếp tục khẳng định xu hướng này với thêm 10% tăng lên trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, lên tới 1,16 tỷ Euro. Các ngành hàng lớn khác như hàng nông sản, cà phê với kim ngạch xuất khẩu tăng 36% năm 2007 đạt 834 triệu Euro. Việc xét duyệt lại GSP cũng khẳng định rằng ngành giầy dép Việt Nam là một ngành cạnh tranh trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2007 tăng hơn 20% từ năm 2004 đến 2006 và trong năm 2007 đã tăng thêm 10,6%.

Ngoài ra, việc xuất khẩu sang thị trường EU chỉ bị ảnh hưởng phần nào bởi thuế chống bán phá giá (thuế AD), chỉ áp dụng với 20% mặt hàng giầy dép Việt Nam xuất khẩu sang EU. Hơn thế nữa, vì các mức thuế chống bán phá giá đó chỉ bắt đầu vào tháng 5-2006, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 16% trong tháng này. Mặt hàng giày dép được hưởng GSP của Việt Nam chiếm mức trung bình là 19,9% tổng số kim ngạch nhập khẩu giầy dép được hưởng GSP khi vào thị trường EU trong giai đoạn 2004-2006. Hơn thế, ngành giày dép được hưởng GSP chiếm mức tỷ lệ trung bình là 49,1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu được hưởng GSP của Việt Nam. Trên cơ sở này theo quy chế GSP và quy định WTO, EU kết luận rằng ngành giầy dép của Việt Nam rất cạnh tranh và Việt Nam đã không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu giầy dép nữa. Như vậy, ngành giầy dép Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” GSP. Dựa trên số liệu 2006, thậm chí sau khi ra khỏi GSP, 1,4 tỷ Euro các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ GSP.

Nhìn chung EU vẫn sẵn sàng dành cho các ngành hàng của Việt Nam, bao gồm cả ngành giày da, một hệ thống thuế quan lâu dài và thậm chí rộng rãi hơn trong khuôn khổ đàm phán Khu vực tự do thương mại EU-ASEAN, liên quan đến phần đàm phán song phương với Việt Nam… Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ sớm tận dụng được cơ hội này”, đại sứ Sean Doyle nhấn mạnh khi kết thúc buổi họp báo.

Bài và ảnh: Hồng Anh: