Được chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam khi thăm TP Hồ Chí Minh và tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam, phóng viên Yvette Essen của tờ Điện tín (Anh) đã có bài phản ánh, đánh giá về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết của ông dẫn lời một doanh nhân khẳng định: Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển nhất ở châu Á trong vài năm tới. Báo QĐND Online xin giới thiệu với bạn đọc bài viết này:
Điều đầu tiên bạn thấy khi đến Việt Nam là hàng nghìn xe máy trên đường phố với tiếng còi inh ỏi vây quanh những chiếc xe hơi sang trọng. Ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ ngạc nhiên hơn khi thấy các nhân viên vệ sinh đường phố với những chiếc chổi rơm bên ngoài gian hàng hào nhoáng của Louis Vuitton.
 |
Một người đạp xích lô đang chờ khách trước cửa hàng của Louis Vuitton (ảnh The Telegraph) |
Louis Vuitton không chỉ là hãng thời trang nổi tiếng duy nhất tham gia vào thị trường Việt
Nam. Tuần trước, hãng thời trang Burberry cũng đã xác định Việt
Nam là một trong những trung tâm đang phát triển giàu có và những nhà sản xuất xe Rolls-Royce, Porsche cũng đã tìm đường vào đất nước đang đổi thay nhanh chóng này.
“Giới trung lưu đang nổi lên rất nhanh”, Phạm Ngọc Bích, một thương gia sinh ra ở Việt Nam nhưng đã sang làm giám đốc cho các công ty bất động sản và ngân hàng ở Canada được vài năm trước khi trở về quê hương của ông, nói.
“Mười năm trước, có quá nhiều xe đạp. Năm năm trước, có quá nhiều ô tô. Bây giờ, nhiều xe ô tô được nhập khẩu. Trị giá các xe ô tô nhập khẩu trong năm tháng qua cao hơn so với năm ngoái 70%”, ông cho biết thêm.
Việt Nam đang có những đổi thay mạnh mẽ. Trước đây, hàng triệu người đã hy sinh trong chiến tranh nhưng giờ đây Việt Nam lại có dân số trẻ. Tuổi bình quân của Việt Nam là 26 trên tổng số 86 triệu dân.
Dân số trẻ cũng là một nguyên nhân giúp kinh tế Việt Nam phát triển nhanh. Năm ngoái, GDP của Việt Nam đạt 8,5%. Nhiều người di cư, hay còn gọi là Việt Kiều, đã rời Việt Nam để ra nước ngoài học tập và gửi tiền về đầu tư bất động sản. Trong khi đó, có những doanh nhân như David Thái đã thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên rất thành công như kiểu Starbucks. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, hạt tiêu và hạt điều. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn về gạo và hải sản.
Nhưng nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ này cũng đang phải chịu những áp lực. Giá thực phẩm và hàng hoá tăng nhanh khiến lạm phát tăng tới mức 25%, cao nhất trong vòng 16 năm qua. Giá năng lượng tăng cao cũng là một áp lực mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ ba ở châu Á về xuất khẩu dầu mỏ nhưng vì thiếu nhà máy lọc dầu nên nhiên liệu cho máy bay và các phương tiện giao thông đường bộ đều phải nhập khẩu.
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi đồng USD yếu khi đồng đô-la Mỹ cũng được dùng để trao đổi song hành cùng tiền đồng. Những người bán hàng và lái xe ôm cảm nhận sự thay đổi kinh tế này rất nhanh khi họ muốn khách trả bằng tiền Việt thay vì ngoại tệ do đồng USD đang yếu.
Không chỉ người dân địa phương phàn nàn về tác động của đồng đô-la và lạm phát. Các tổ chức tài chính cũng đang thận trọng và chỉ số chứng khoán chính của Việt nam, vốn đã tăng năm lần trong bốn năm qua khi các nhà đầu tư bị cuốn hút bới nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5% từ năm 1990, cũng có dấu hiệu suy yếu.
Chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch ở TP Hồ Chí Minh hiện nay đang ở mức thấp nhất trong vòng 27 tháng qua, giảm 60% tính từ đầu năm. Giá bất động sản, sau khi tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua, lại giảm khoảng 40% trong năm tháng vừa qua khi các ngân hàng điều chỉnh lại việc cho vay đối với các khoản vay đầu tư vào bất động sản.
Merrill Lynch cho rằng, việc suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ tiếp tục khi chính phủ Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất tiết kiệm lên 12% để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, có một số chuyên gia cho rằng, đây chỉ là khó khăn tạm thời. John Hutton, Bộ trưởng phụ trách thương mại và doanh nghiệp Anh, là một trong số những người khẳng định Việt Năm sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tuần qua, ông John Hutton đã trở thành Bộ trưởng về thương mại đầu tiên của Anh thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến thăm này, ông đã kêu gọi các công ty của Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp về tài chính và dầu mỏ, hãy hướng đầu tư về phía Đông vì đó là nơi tập trung “những cơ hội lớn”.
Ông cũng khuyến khích các công ty nước ngoài theo bước BP, HSBC, Vodafone và GSK để đầu tư và “một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới”.
Prudential, nhà bảo hiểm lớn nhất Việt Nam khi bảo hiểm cho hơn hai triệu người, vẫn lạc quan tin rằng triển vọng của họ ở Việt Nam rất tốt đẹp. Tuần này, Prudential đã đầu tư thêm 16 triệu USD vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các khoản vay cá nhân.
Ông Huỳnh Thanh Phong, giám đốc bảo hiểm của Prudential khu vực châu Á, khi nói về nhịp độ thay đổi ở Việt Nam, cho biết, năm 1999 chỉ có một vài máy rút tiền tự động trên cả nước còn bây giờ “ở phố nào cũng có”.
Trong khi đó, những người dân địa phương vẫn cảm nhận được đất nước của họ đang tiến lên. Ông Phạm Ngọc Bích khẳng định: “Mười năm trước Việt Nam đã thức tỉnh và biết rằng mình phải làm rất nhiều để theo kịp Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Nhưng trong vòng vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước phát triển nhất ở châu Á”.
Ngọc Hưng