Chỉ ít ngày trước lễ chuyển giao quyền lực ở xứ cờ hoa, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn sở hữu đảo Greenland và kênh đào Panama đã tạo ra cơn bão dư luận trên chính trường quốc tế. Nhiều người thắc mắc không hiểu Greenland có gì đặc biệt mà khiến ông Donald Trump “mê mệt” đến thế?
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, là nơi sinh sống của khoảng 57.000 người. Từng là thuộc địa và nay là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, Greenland có vị trí địa chính trị độc đáo: Nằm giữa Mỹ và châu Âu. Thủ đô Nuuk của Greenland gần New York của Mỹ hơn là Copenhagen của Đan Mạch.
CNN dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao Ulrik Pram Gad tại Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch cho biết, nơi này từ lâu đã được coi là chìa khóa an ninh của Mỹ, có thể giúp Washington đẩy lùi một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga, trong trường hợp xảy ra chiến sự. Tuyến vận chuyển Northwest Passage chạy dọc bờ biển của Greenland là một phần của tuyến Greenland - Iceland - Anh, một khu vực hàng hải chiến lược.
 |
Du khách tham quan vịnh Scoresby Sund ở Greenland. Ảnh: AP |
Trước ông Donald Trump, năm 1867, Tổng thống Mỹ Andrew Johnson khi mua Alaska của Nga cũng từng cân nhắc mua Greenland của Đan Mạch. Một số tài liệu của Đan Mạch cũng thể hiện rằng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đề nghị trả 100 triệu USD cho Đan Mạch để mua đứt hòn đảo này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không có giao dịch mua bán nào được thực hiện, song theo hiệp ước quốc phòng năm 1951, Mỹ đã đặt một căn cứ không quân - nay là Căn cứ không gian Pituffik ở Tây Bắc Greenland. Với vị trí nằm giữa Moscow và New York, đây là tiền đồn cực Bắc của quân đội Mỹ, được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa. “Washington muốn bảo đảm rằng không một quốc gia thù địch nào kiểm soát Greenland, bởi đây có thể là bàn đạp để tấn công nước Mỹ”, Pram Gad nhấn mạnh.
Theo giáo sư Klaus Dodds của Đại học London (Anh), yếu tố khiến Greenland hấp dẫn người Mỹ là trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú của hòn đảo này, bao gồm các loại khoáng sản, dầu, khí đốt, đặc biệt là đất hiếm - vốn vô cùng cần thiết trong sản xuất thiết bị quân sự cũng như thiết bị công nghệ cao. “Trung Quốc đang thống trị sản xuất đất hiếm toàn cầu và đã cảnh báo có thể hạn chế xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng và công nghệ liên quan trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump”, CNN cho hay.
HIỀN MINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Tối 15-1 theo giờ Mỹ (tức sáng 16-1 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu chia tay từ Phòng Bầu dục, khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ trong vài ngày tới.
Ngày 14-1, Thượng viện Mỹ bắt đầu quá trình điều trần đối với các đề cử vào các vị trí hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.