Trong một bài viết, trang mạng Arab News cho biết, sau một cuộc gặp gần đây nhất với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, quan chức phụ trách chính sách mở rộng của EU Marta Kos đã tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng cử viên gia nhập EU, là một đối tác chiến lược ở Đông Nam Âu”. Tuyên bố của bà Marta Kos thể hiện EU đã nhận ra được tầm quan trọng chiến lược hơn bao giờ hết của Thổ Nhĩ Kỳ. Và không có gì ngạc nhiên khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen lại chọn Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm đến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 12-2024 sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai.
Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ được tờ Politico đánh giá là một trong những mối quan hệ lâu đời nhất nhưng cũng phức tạp nhất của EU. Những năm gần đây, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục trải qua sóng gió liên quan tới chính sách của Ankara đối với khu vực Trung Ðông-Bắc Phi cũng như các hoạt động thăm dò dầu khí của Ankara ở Ðịa Trung Hải. Cùng với đó là tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình trệ kể từ năm 2018.
 |
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và quan chức phụ trách chính sách mở rộng của EU Marta Kos trong cuộc gặp hồi tháng 2-2025. Ảnh: mfa.gov.tr
|
Vì vậy, tuyên bố của bà Marta Kos và chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được xem là sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU với Ankara. “Các nhà phân tích theo dõi quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ đều nêu bật sự cải thiện trong quan hệ giữa đôi bên”, Arab News nhấn mạnh.
Động lực chính đằng sau sự thay đổi nói trên là những biến động địa chính trị tác động trực tiếp tới EU hiện nay, trong đó phải kể đến xung đột tại Ukraine, dải Gaza, tình hình Syria và nhất là cách tiếp cận của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với châu Âu. Bối cảnh đó khiến EU giờ đây gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài “cách tiếp cận mới” với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Arab News, tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với EU được thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “quốc gia châu Âu duy nhất ở Trung Đông” và là “quốc gia Trung Đông duy nhất ở châu Âu”. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò trung tâm tại các khu vực Trung Đông, Địa Trung Hải và Biển Đen. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. “Châu Âu đang phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ về phương diện quân sự và chính trị hơn bao giờ hết”, Arab News nhấn mạnh.
Cũng từ đây, giới phân tích nhận định khả năng để tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đạt tiến triển đang ở mức cao nhất trong hai thập niên qua. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực gia nhập EU từ năm 1959, khi nước này nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu-tiền thân của EU. Những bất ổn về chính trị và kinh tế sau đó đã khiến nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ bị gác lại. Đến năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ được EU trao quy chế ứng cử viên. Từ năm 2005, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập EU, song tiến trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2018. Hiển nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thấy vị thế của mình đang “mạnh hơn bao giờ hết”. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đây tự tin tuyên bố chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ-với tư cách là một thành viên đầy đủ của EU-mới cứu được khối thoát khỏi bế tắc của mình, từ kinh tế đến quốc phòng, từ chính trị tới vị thế quốc tế.
Kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay là vấn đề chưa đạt được đồng thuận trong nội bộ EU. Có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc đưa một quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo vào “mái nhà chung” EU do sự khác biệt về văn hóa có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó hội nhập được với châu Âu. Thêm vào đó, với quy mô nhỏ của nền kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng cho EU. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, EU có thể được hưởng lợi từ nguồn lao động trẻ của Thổ Nhĩ Kỳ và việc kết nạp Ankara sẽ giúp EU có tiếng nói lớn hơn tại Trung Đông. “Hiện là cơ hội để EU đánh giá lại chính sách liên quan tới việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước thành viên EU cần có quan điểm thống nhất đối với vấn đề này, để rồi từ đó mới hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ hồi đáp lời kêu gọi thắt chặt hợp tác của khối”, Arab News nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.