Khi đứng trước các thành viên Ủy ban nhà nước sau chuyến bay huyền thoại của mình, Yury Gagarin, người đầu tiên vào vũ trụ, đã không quên nói rõ một chi tiết rất quan trọng: “Những lúc hào hứng, tôi đã được vài lần chụp hình ở đó. Lúc ấy, tôi đã cởi lớp ngoài của bộ đồ vũ trụ. Tôi chỉ mặc bộ quần áo ấm màu xanh lam, mà không chụp cùng chiếc áo ngoài màu cam và xám và mũ bảo hiểm. Khi đó bộ đồ vũ trụ đã được đặt trong xe hơi”. 

Quả thực, trong tất cả những bức hình được chụp sau khi hạ cánh xuống Trái đất, nhà du hành vũ trụ mặc áo khoác ấm giống chiếc áo bông giản dị của Liên Xô. Thực ra, đây là bộ quần áo giữ nhiệt B-3, được Yury Gagarin mặc bên trong bộ đồ vũ trụ. Nhưng bộ đồ vũ trụ lại không thấy đâu cả. Vậy tại sao người ta lại phải che giấu nó?

  Anh hùng vũ trụ Liên Xô Yury Gagarin. Ảnh: Sputnik.

Không cần trang phục vũ trụ khi bay

Trang phục vũ trụ cho chuyến bay có người đầu tiên vào không gian là vấn đề không dễ dàng. Bởi câu hỏi đặt ra là, người đầu tiên bay vào vũ trụ sẽ như thế nào nếu mặc bộ đồ trong hành trình nguy hiểm như vậy?

Ngày nay điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng lúc bấy giờ một số chuyên gia thực sự tin rằng, Yury Gagarin có thể mặc bộ đồ giữ nhiệt này để bay vào vũ trụ. Nó được thiết kế chỉ để bảo vệ phi hành gia sau khi hạ cánh xuống đất hoặc xuống nước, cũng như để cứu sống phi công vũ trụ nếu hạ thân nhiệt. Trong trường hợp tàu bị giảm áp suất trong vũ trụ, thì bộ đồ này sẽ là vô ích. Nói cách khác, họ muốn đưa phi hành gia vào không gian mà không cần đến trang phục vũ trụ.

Phương án này đã được cân nhắc, vì các nhà chế tạo tàu vũ trụ Vostok vào tháng 2-1960 nhận ra rằng, họ gặp vấn đề nghiêm trọng với khối lượng dư thừa và cần phải hạn chế nghiêm ngặt các trang thiết bị. Đồng thời, họ cũng đưa ra những dự báo rất lạc quan rằng, khả năng cabin bị tụt áp là khó xảy ra, nên không cần đến bộ đồ vũ trụ, bởi nó chỉ làm tăng thêm trọng lượng.

Hai phi công máy bay tiêm kích German Titov và Yury Gagarin đứng cạnh nhau (ở giữa bên trái) trong đoàn du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô. Ảnh: Sputnik. 

Tranh cãi về việc liệu phi hành gia có cần trang phục vũ trụ hay không vẫn kéo dài cho đến mùa hè năm 1960, khi cha đẻ ngành vũ trụ Liên Xô, Tổng công trình sư Sergei Korolev, đưa ra quan điểm cuối cùng về vấn đề này. Ông tuyên bố sẵn sàng “dành ra 500kg (nhờ sử dụng chất liệu kỹ thuật của tàu), nhưng bộ đồ vũ trụ có hệ thống bảo vệ sinh mạng sẽ phải xuất hiện vào cuối năm”.

Vì vậy, thời gian chế tạo bộ đồ vũ trụ đầu tiên trong lịch sử còn lại chưa đầy 8 tháng trước khi diễn ra chuyến bay dự kiến. Đó là bộ đồ cho Yury Gagarin mang tên “SK-1”.

Bộ đ đầu tiê

Vậy là người ta quyết định đi đường tắt và lấy bộ quần áo Vorkuta dành cho phi công tiêm kích Su-9 làm nguyên mẫu. “SK-1” là bộ đồ không gian mềm được thiết kế gồm hai lớp vải. Một lớp được làm bằng sợi tơ lapsan hoặc nhựa nhiệt dẻo polyethylene terephthalate. Vào thời điểm đó, đây là vật liệu mới nhất, được Phòng thí nghiệm các hợp chất phân tử cao của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô sáng chế ra năm 1949. Lớp năng lượng của bộ đồ vũ trụ được làm bằng sợi tơ lapsan (ngày nay nó được sử dụng vào những mục đích, như sản xuất chai nhựa chẳng hạn).

Lớp thứ hai, gọi là lớp kín, được làm bằng cao su. Còn lớp bên ngoài mà mọi người nhìn thấy là áo bọc không thấm nước màu cam. Nó có màu cam nhằm thuận lợi cho công tác tìm kiếm của phi hành gia, trong trường hợp phi hành gia bật ra từ buồng lái và hạ cánh bằng dù.

 Bộ đồ vũ trụ được Yury Gagarin mặc trong không gian. Ảnh: Ivtorov (CC BY-SA 4.0).

Mũ bảo hiểm là không thể tháo rời, được kết nối bằng các cảm biến áp suất. Trong trường hợp áp suất giảm, mũ bảo hiểm sẽ tự động đóng sầm lại, còn ống thổi khí vào lớp bên trong của bộ đồ từ cabin tàu thì bị cắt rời. Trong trường hợp này, nguồn không khí sẽ được cấp từ bình oxy. Đương nhiên, không thể đi vào không gian trong một bộ đồ như vậy, nhưng phi hành gia có thể tự cầm cự bên trong cabin trong 5 giờ với bộ đồ này. Thậm chí bên trong bộ đồ vũ trụ đầu tiên còn có một thiết bị thoát chất thải, nên không cần phải cởi nó khi cần đi vệ sinh.

Bộ đồ “SK-1” được may theo đúng tiêu chuẩn của đoàn du hành vũ trụ đầu tiên, tức là nó không phải là loại thông dụng. Nó nặng 20kg tính cả mũ bảo hiểm. Một người không thể tự mình mặc một bộ đồ như vậy nếu không có người khác hỗ trợ. Có hướng dẫn rõ ràng về cách mặc đồ, lần lượt cho chân rồi tay vào. Tuy nhiên, việc cởi nó thì có thể tự mình thực hiện.

Thực tế có nhiều lớp quần áo trên người phi hành gia Yury Gagarin mặc, bao gồm đồ lót, bộ đồ giữ nhiệt, một lớp sợi tơ lapsan, một lớp cao su và cuối cùng là áo bọc màu cam. Nhưng vì sao bộ đồ vũ trụ lại không được để chụp trong các bức hình?

Nhiệm vụ bí mật  

Tất cả là vì tính chất bí mật đặc biệt của bộ đồ vũ trụ. Nó được coi là một công trình sáng tạo thiên tài của Liên Xô, bởi các vật liệu và toàn bộ cấu tạo của nó được sánh ngang bí mật quốc gia trong bối cảnh chạy đua không gian. Trong đó áo bọc màu cam bên ngoài được cho là để che giấu những thứ bên trong khỏi những ánh mắt tò mò.

Thiết bị tàu vũ trụ Vostok cùng Yury Gagarin sau khi tiếp đất. Ảnh: Sputnik. 

Bên cạnh toàn bộ những hướng dẫn khác, Yury Gagarin cũng được lệnh sau khi hạ cánh ở bất kỳ nơi nào đều phải thực hiện các biện pháp bảo vệ bộ đồ vũ trụ hoặc phá hủy nó. Để kiểm soát việc này, một trong những kỹ sư thiết kế bộ đồ vũ trụ là Ota Mithrabanovich Bakhramov được giao nhiệm vụ bên cạnh Yury Gagarin. Vì vậy, ngày 12-4-1961, người này đã thực thi nhiệm vụ bí mật mà chỉ một số rất ít người được biết.

Theo đó, tại khu vực hạ cánh, Bakhramov sẽ tiếp nhận bộ đồ vũ trụ từ Yury Gagarin hoặc từ người đứng đầu nhóm tìm kiếm-cứu hộ. Ngày hôm đó, có một kỹ sư với nhiệm vụ bí mật đã lọt vào một vài bức ảnh nghiệp dư. Đó là người cao to đội mũ và mặc áo khoác da cừu bị cư dân thành phố Engels nhầm là vệ sĩ của Yury Gagarin hoặc nhân viên an ninh quốc gia, được giao nhiệm vụ bảo vệ nhà du hành vũ trụ. Tuy nhiên, sự thật người này là kỹ sư thiết kế Ota Mithrabanovich Bahramov đến chỉ để lấy đi bộ đồ vũ trụ.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)