Xung đột lợi ích khu vực công là gì?

Báo cáo nói trên được công bố tại Hội thảo do WB tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức tại Hà Nội, sáng 9-11. Để hoàn thành báo cáo này, Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thông tin từ 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh, thành phố, 5 bộ, ngành của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một báo cáo chung về vấn đề xung đột lợi ích khu vực công được công bố tại Việt Nam.

Để có thể đi sâu tìm hiểu và đưa ra những cách thức giải quyết vấn đề xung đột lợi ích trong khu vực công, nghiên cứu đã chỉ ra một thực trạng tại Việt Nam, đó là các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của chúng ta chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích một cách có hệ thống trong khu vực công. Hiểu biết về xung đột lợi ích trong xã hội và trong bản thân cán bộ, công chức, viên chức cũng còn hạn chế. Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, đến nay, Việt Nam quy định trong văn bản pháp luật nhiều việc mà cán bộ, công chức, lãnh đạo không được làm, song vẫn thiếu khung khái niệm cụ thể.

Theo khái niệm đưa ra trong báo cáo, xung đột hay mâu thuẫn lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ công chức trong thẩm quyền chính thức của mình đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định, hành động, có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ. Báo cáo đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong các lĩnh vực hoạt động của khu vực công: Cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo tại Hà Nội, sáng 9-11. Ảnh: BẢO TRUNG 
Báo cáo cho rằng, trong ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường đã thúc đẩy tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và tư, do đó cần phải giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình tương tác này thông qua luật pháp và thực thi chính sách tốt hơn.

Ông Ô-xma-nê Đi-ô-nê (Ousmane Dione), Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035. Kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của Nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo".

Những “luật chơi bất thành văn”

Báo cáo cho thấy, hiện nhiều hình thức xung đột lợi ích khác nhau ở khu vực công đã trở thành luật chơi, gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công tại Việt Nam. Ba lĩnh vực với các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất là quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng.

 Cụ thể, quá trình khảo sát cho thấy, có tới gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức ở Việt Nam biết rõ việc tặng, nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “luật bất thành văn” hay “thông lệ”. Trong khi nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, cán bộ, công chức lại tặng quà cho cấp trên để… thể hiện sự biết điều. Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp về quản trị công của WB cho rằng, quà tặng giờ đây không chỉ đơn thuần là món quà mang ý nghĩa tình cảm mà nhiều khi đã trở thành “luật chơi”, trở thành “món nợ phải trả”...

Liên quan đến tình huống xung đột đợi ích trong bổ nhiệm, tuyển dụng, theo đánh giá của các cán bộ công chức, những yếu tố quan trọng nhất trong tuyển dụng và bổ nhiệm là được đào tạo chính quy, bài bản và năng lực, kinh nghiệm, thành tích công tác tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân thì lại cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải có quan hệ thân thiết với người có chức vụ, quyền hạn và dùng lợi ích vật chất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra một số ví dụ về kinh nghiệm kiểm soát xung đột lợi ích tại các quốc gia khác mà Việt Nam có thể học tập. Chẳng hạn như ở Xin-ga-po, cán bộ công chức nếu nhận quà trị giá hơn 50 đô-la phải nộp lại cho nhà nước, trong trường hợp muốn giữ món quà đó làm kỷ niệm thì phải bỏ tiền túi ra mua lại. Một số nước Đông Nam Á còn cấm cả người thân trong gia đình cán bộ công chức nhận quà.

Từ những thực tế nêu trên, nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị về thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, bao gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng như doanh nghiệp; Cải thiện chính sách và pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích; Phân công đầu mối theo dõi, hỗ trợ và khuyến nghị giải pháp xử lý vi phạm và tình huống liên quan đến xung đột lợi ích. 

“Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là khuyến nghị các biện pháp cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt trong công việc của mình, cải thiện chất lượng thể chế của khu vực công và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng”, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, báo cáo vừa công bố rất quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm sao để đưa những nội dung nêu trong đó đi vào cuộc sống.

VŨ HÙNG