QĐND - Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng khả năng sản xuất của đất nước thông qua chiến lược sản xuất đến năm 2025. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ đưa Trung Quốc từ một “nhà sản xuất lớn” trở thành một “siêu cường sản xuất công nghiệp” trong những năm sắp tới.

Theo tờ China Daily, chiến lược nói trên lần đầu tiên được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu ra trong bản Báo cáo công tác Chính phủ tại một cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đưa Trung Quốc từ vị thế một nhà sản xuất nặng về số lượng trở thành một nhà sản xuất coi trọng chất lượng.

 

Mô hình tàu cao tốc được trưng bày tại một triển lãm ở Thượng Hải. Ảnh: chinadaily.com.cn

 

Máy móc nông nghiệp được sử dụng trong lĩnh vực trồng trọt tại tỉnh Shandong của Trung Quốc. Ảnh: chinadaily.com.cn

Kế hoạch này kêu gọi thay đổi phương thức sản xuất đơn giản, vốn tập trung vào công nhân, để hướng tới khu vực sản xuất phức tạp có đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hơn. Chiến dịch này sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đồng thời đưa ra những biện pháp có lợi cho lĩnh vực công nghệ và tăng cường phát triển các ngành công nghiệp mới.

Như chiến lược đã đề ra, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm: Thiết bị nông nghiệp, thiết bị điện, y sinh học và thiết bị y tế hiệu suất cao, công nghệ thông tin, xe tiết kiệm năng lượng, thiết bị đường sắt, hàng không vũ trụ và thiết bị hàng không, thiết bị kỹ thuật hàng hải và sản xuất tàu công nghệ cao, máy điều khiển số công nghệ cao và tự động hóa, vật liệu mới.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc còn đang đặt nền móng cho một sự chuyển đổi của quốc gia này từ vai trò là một nhà sản xuất sang “nhà sáng chế hàng đầu” vào năm 2020. Tờ China Daily cho rằng, trong khoảng 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên như một cơ sở sản xuất chính của thế giới, song khả năng cạnh tranh của quốc gia này trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến vẫn tương đối yếu, một phần là do các công ty trong nước ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chính vì vậy, khuyến khích các công ty trong nước nâng cao khả năng sáng tạo và làm ra những sản phẩm hiện đại là một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay.

Theo các quan chức Trung Quốc, để có thể trở thành một “nhà sáng chế hàng đầu”, Trung Quốc sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, tiếp tục tăng cường mở cửa và chủ động khai thác các nguồn lực và thị trường toàn cầu. Ông Qi Chengyuan, Giám đốc Cục Công nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước của Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc hoan nghênh các tổ chức khoa học quốc tế có uy tín xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các tổ chức nước ngoài tham gia vào các chương trình kỹ thuật của Trung Quốc, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một cơ chế mới cho quá trình sáng tạo, nâng cao vai trò hỗ trợ của các chính sách và tăng cường tiếng nói của các doanh nghiệp trong các quyết định về đổi mới, sáng tạo của nhà nước.

Song song với chiến lược sản xuất công nghiệp đến năm 2025, Trung Quốc còn đề ra Kế hoạch "Internet Plus" dựa trên sự cải tiến, công nghệ thông minh, internet di động, điện toán đám mây và phương châm “mọi thứ đều được kết nối dựa trên internet”. Theo đó, thông tin hóa và công nghiệp hóa sẽ là “kim chỉ nam” cho các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đã nói ở trên.

TRUNG DŨNG