Động thái này của Mỹ xuất phát từ yêu cầu của thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido. Tháng 7-2019, quốc hội nước này do ông Juan Guaido lãnh đạo đã tuyên bố đưa Venezuela tái gia nhập TIAR, sau khi Caracas rút khỏi hiệp ước vào năm 2013. Yêu cầu kích hoạt TIAR đã bị bác bỏ bởi Tòa án Tối cao Venezuela, cho rằng đây là quyết định đi ngược lại hiến pháp nước này. Bản thân Quốc hội Venezuela có đa số ủng hộ ông Juan Guaido đã bị tước quyền hoạt động từ năm 2017. 

Có hiệu lực từ ngày 12-3-1948, TIAR mang tính chất một hiệp ước phòng thủ chung. Trong đó, điều khoản được Mỹ dựa vào để ra quyết định chỉ rõ, hành động tấn công quân sự lên một quốc gia sẽ bị coi là tấn công toàn khối. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc nhiều nhóm phiến quân gốc Colombia sử dụng lãnh thổ Venezuela làm nơi trú ẩn, cùng với việc Caracas tổ chức các cuộc tập trận dọc biên giới với Colombia. 

Người dân biểu tình ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro tại Caracas. Ảnh: PressTV.

Ngoài Mỹ, quyết định kích hoạt TIAR được 10 quốc gia Mỹ-Latin là Argentina, Brazil, Chile, Colombia, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Paraguay và Cộng hòa Dominica ủng hộ. 6 nước còn lại trong hiệp ước đã không có mặt trong cuộc họp hoặc bỏ phiếu trắng. Ngoài Venezuela, các nước Bolivia, Ecuador, Nicaragua, Mexico đều đã rút khỏi và chỉ trích gay gắt hiệp ước.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố, TIAR “không có lý do gì để tồn tại trong tình hình thế giới hiện nay”. Đại diện của nước này tại Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), ông Luz Elena Baños cho biết, Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc chỉ rõ, một quốc gia phải có hành động sử dụng vũ lực mới được coi là “tấn công vũ trang” lên quốc gia khác. Cuộc khủng hoảng Venezuela mang tính chất nội bộ và không có hành động gây hấn nào của chính quyền Caracas lên các nước trong khu vực. Ông Luz Elena Baños nhấn mạnh, kích hoạt TIAR bằng cách này có thể gây bất ổn cho toàn châu Mỹ. 

Chính phủ Venezuela đã lên án nước đi của phe đối lập, gọi đó là bước đầu kêu gọi “một cuộc xâm lược vào Venezuela”. Đây không phải lần đầu phe đối lập công khai kêu gọi nước ngoài can thiệp quân sự. Ngày 13-5-2019, Juan Guaido chính thức gửi thư đến Bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Mỹ, đề nghị Mỹ đưa quân vào giúp lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. 

Tuy nhiên, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhiều lần cho biết nước này cân nhắc sử dụng phương án quân sự, việc can thiệp trực tiếp sẽ là “lợi bất cập hại” cho Mỹ. Phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn sẽ ngày càng mất đi sự ủng hộ của người dân Venezuela, vốn đã xuống thấp trong vài tháng trở lại đây. Ngay sau khi Mỹ tái kích hoạt TIAR, các nước ủng hộ đã tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế và chính trị, không đề cập đến phương án quân sự.

Theo tờ New York Times, các nước Mỹ-Latin từ lâu đã có ấn tượng không mấy tốt đẹp với Mỹ do một danh sách dài các vụ việc mà Washington dính líu vào khu vực, phần lớn đều dưới danh nghĩa bảo đảm an ninh do “nền dân chủ” bị đe dọa, thậm chí bỏ qua hoàn toàn quy chế của TIAR. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, trừ Mexico và Costa Rica, các nước Nam Mỹ đều có đảo chính và bạo loạn nhưng các cơ chế của TIAR đã không được kích hoạt để bảo vệ nền hòa bình và ổn định tại các quốc gia này. 

Năm 1982, Argentina đã yêu cầu kích hoạt TIAR trong thời gian diễn ra cuộc chiến với Anh tại quần đảo Falklands, mà nước này gọi là Malvinas. Tuy nhiên, Mỹ đã đứng về phía Anh mà không có động thái hòa giải nào để bảo vệ Argentina. Sau cuộc chiến, hầu hết các nước Mỹ-Latin chỉ còn coi TIAR là một hiệp ước lập ra chủ yếu vì lợi ích của Washington.

Tình hình khu vực và các phản ứng trái chiều trước động thái của Mỹ cho thấy, kể từ khi thiết lập đến nay, TIAR đã thất bại trong mục đích chính nhằm thiết lập hòa bình và ổn định tại châu Mỹ. Thay vào đó, Mỹ đã đơn phương hành động, sẵn sàng ủng hộ hoặc dựng lên những chính thể “biết nghe lời”. Một lần nữa, TIAR đã lại được kích hoạt để “giải quyết” tình hình tại Venezuela, nhưng với lịch sử coi Mỹ-Latin như “sân sau” của Washington, hiệp ước này đã xa rời mục đích bảo đảm an ninh chung của nó.

ĐĂNG SƠN