Năm 2014, người khổng lồ công nghệ Microsoft cho ra mắt bộ kính thực tế ảo HoloLens nhưng không đạt được nhiều chú ý từ công chúng. Sau đó, sản phẩm này gần như bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, HoloLens nhận được sự chú ý của các nhà sản xuất, đặc biệt từ các tập đoàn sản xuất xe hơi lớn trên thế giới.
Với ưu thế đưa hình ảnh tạo bởi đồ họa 3D “hòa lẫn” vào thế giới thực, công nghệ thực tế ảo có thể giúp các nhà thiết kế quan sát hình ảnh đồ họa trong không gian với tỷ lệ thực, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ nhất, giúp giảm rất nhiều thời gian nghiên cứu, chế tạo, bảo dưỡng sản phẩm.
 |
Các kỹ sư của hãng Ford quan sát hình ảnh mô phỏng xe hơi thông qua kính HoloLens. Ảnh: media.ford.com. |
Đi tiên phong trong phong trào áp dụng công nghệ này, tại trụ sở của Tập đoàn Toyota ở tỉnh Aichi, Nhật Bản, các kỹ thuật viên đã thử nghiệm sử dụng kính thực tế ảo HoloLens không chỉ cho việc thiết kế mà còn cho công tác giám sát chất lượng xe trước khi xuất xưởng. Ví dụ, để đo đạc độ dày lớp sơn vỏ xe đảm bảo tính thẩm mỹ và chống ăn mòn, HoloLens có thể giúp một nhân viên kiểm định toàn bộ chiếc xe trong vòng 4 giờ, thay vì cần hai nhân viên và mất đến một ngày như trước đây. Các kỹ sư của Toyota còn thiết kế một ứng dụng giúp người đeo HoloLens nhìn thấy các kết quả đo đạc được hiển thị trực tiếp lên chiếc xe, loại bỏ việc sử dụng các bản vẽ, giấy tờ.
Ngoài Toyota, nhiều hãng sản xuất xe hơi lớn khác như Ford, Paccar hiện đang bắt đầu đưa vào sử dụng HoloLens. Công ty Daimler của Đức cũng thông báo đã đặt mua 100 bộ kính để giúp các kỹ thuật viên thao tác trên mô hình 3D tỷ lệ thực của các bộ phận xe như hệ thống phanh.
Tuy nhiên, HoloLens đang tồn tại một số hạn chế. Ví dụ như, giá thành cao (từ 3.000 đến 5.000 USD cho một bộ kính), khối lượng nặng không phù hợp cho người sử dụng lâu dài và thời lượng pin chỉ kéo dài 2-3 giờ. Ngoài ra, HoloLens đang gặp phải cạnh tranh từ nhiều công ty khác đang muốn tham gia vào lĩnh vực đồ họa thực tế ảo nhiều tiềm năng này.
ĐĂNG SƠN