Nửa năm trước, cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden tại Geneva, Thụy Sĩ đã xuất hiện triển vọng cải thiện quan hệ song phương khi hai bên nhất trí ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, căng thẳng giữa Mỹ và Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi những bất đồng bấy lâu nay chưa được giải quyết. Điều này khiến nhiều người không đặt kỳ vọng về sự đột phá tại cuộc gặp lần này.
Cuộc hội đàm trực tuyến Nga-Mỹ theo hình thức “một đối một” bắt đầu bằng màn chào hỏi thân mật, sau đó là những tranh luận căng thẳng, thậm chí gay gắt khi hai nhà lãnh đạo đề cập tới vấn đề Ukraine. Lập trường mỗi bên về việc giảm leo thang xung đột ở Ukraine khá rõ ràng và đặt ra tương lai “cán cân” an ninh ở Đông Âu. Trong khi quan ngại việc Nga gia tăng lực lượng gần biên giới Ukraine, Tổng thống Biden bày tỏ mối quan ngại trước việc Nga gia tăng lực lượng gần biên giới Ukraine. Ông Biden cảnh báo, Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trong trường hợp tấn công Ukraine và Washington không loại trừ khả năng triển khai thêm quân đội tới hỗ trợ bảo vệ đồng minh nếu Nga hành động quân sự với Ukraine. Ông chủ Nhà trắng cũng không quên nhắc lại sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow xuống thang và quay trở lại con đường ngoại giao.
 |
Tổng thống Putin và Tổng thống Biden hội đàm trực tuyến ngày 7-12. Ảnh: Sputnik |
Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định, việc Mỹ và NATO tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga là một thách thức nghiêm trọng và NATO đang “thực hiện những nỗ lực nguy hiểm”. Ông Putin nêu rõ “lằn ranh đỏ” với Mỹ và NATO, đó là không mở rộng về phía Đông và không đưa vũ khí tấn công đến Ukraine. Đáp lại, ông Biden trả lời rằng, “các nước NATO sẽ quyết định ai là thành viên, chứ không phải Nga”.
Vấn đề Ukraine là một trong những nguyên nhân làm căng thẳng mối quan hệ Nga-Mỹ, nhất là khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Để bảo vệ đồng minh ở Đông Âu, Mỹ và NATO đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và hạn chế chính trị đối với Moscow. Bên cạnh đó, Washington cam kết hỗ trợ Ukraine về các nhu cầu quốc phòng của nước này, thậm chí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Kiev vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ gửi quân tới Ukraine.
Ngoài vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga còn thảo luận về ổn định chiến lược-một cuộc đối thoại riêng biệt về phần mềm mã độc tống tiền, cũng như hợp tác chung về các vấn đề khu vực như Iran. Thông qua hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã thể hiện thiện chí đối thoại và “không muốn đẩy tình hình thành một cuộc chiến toàn diện”, như nhận định trên Tạp chí Expert của Nga.
Hội đàm cấp cao trực tuyến diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Nga ở mức thấp chưa từng có khi hai cường quốc này trải qua nhiều sóng gió liên quan hàng loạt vấn đề như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, tấn công mạng, trục xuất nhân viên đại sứ quán và nay là vấn đề Ukraine. Đây là những bất đồng khó hóa giải và khó có khả năng đưa lập trường hai bên “xích lại gần nhau” trong một sớm một chiều.
Dù lập trường của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga khó có thể dung hòa, tuy nhiên, cả hai đều thể hiện sự kiềm chế và cam kết giảm leo thang. Cuộc gặp trực tuyến lần này được cho là mở ra các kênh liên lạc và là bước khởi đầu cho hy vọng sẽ có những tiến triển theo hướng tích cực trong tương lai.
BÌNH NGUYÊN