Theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan), nước này muốn xây tường dọc theo toàn bộ biên giới với Xy-ri và "sẽ làm điều tương tự dọc biên giới với I-rắc và ở những nơi thích hợp dọc biên giới với I-ran". 

AP cho hay, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã xây xong 650km của bức tường dọc theo 911km biên giới với Xy-ri. Được khởi công từ năm 2014, bức tường này nhằm tăng cường an ninh bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh người Cuốc (Kurd) mà chính quyền Tổng thống Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan cho là lực lượng bất hợp pháp, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như những người tị nạn từ Xy-ri. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, bức tường bê tông này cao khoảng 3,6m, phía trên có chằng thêm dây thép gai, là nhằm duy trì an ninh ở khu vực biên giới giữa nước này với Xy-ri. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bố trí thêm các tháp canh dọc biên giới để bảo đảm an ninh ở mức cao nhất.

leftcenterrightdel
Một đoạn tường dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri. Ảnh: Dailysabah.com 
"Biên giới của chúng tôi sẽ được an toàn hơn với một bức tường như vậy", ông Áp-đu-la Xíp-xi (Abdullah Ciftci), người đứng đầu huyện Xu-rúc (Suruc) ở tỉnh Xan-li-ơ-pha (Sanliurfa) của Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng thông tấn Anadolu.

Tuy nhiên, hãng tin Sputnik cho rằng, trước khi bức tường được xây dựng, ngay cả giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra không mấy hào hứng về kế hoạch này. Một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng so sánh bức tường này với bức tường được dựng lên ở biên giới giữa Mỹ và Mê-hi-cô nhằm chống nạn buôn bán ma tuý và nhập cư trái phép.

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Xy-ri nổ ra, khu vực biên giới giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến một lượng lớn phiến quân đổ từ Xy-ri sang Thổ Nhĩ Kỳ và mang theo rất nhiều vũ khí cùng những tư tưởng cực đoan khác. Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng nhiều lần gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa biên giới với Xy-ri, nhằm kiểm soát đường di chuyển của IS từ Xy-ri và I-rắc. 

Như phát biểu của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li Y-in-đi-rim (Binali Yildirim) vào tháng 9-2016, sau khi An-ca-ra siết chặt an ninh biên giới, tất cả các tuyến đường tiếp tế quan trọng mà IS thường sử dụng để vận chuyển các phiến quân bị "tẩy não" và vũ khí chết người đã bị cắt đứt, dẫn đến việc nhóm khủng bố này thua thảm. Hãng thông tấn Anadolu cũng khẳng định, nhờ có bức tường dọc biên giới và các biện pháp an ninh tăng cường mà trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản được gần 60.000 đối tượng nỗ lực vượt biên trái phép. Số người cố gắng gia nhập IS cũng đã giảm mạnh so với năm 2015.

Có lẽ cũng từ thực tế đó mà nay Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lên kế hoạch xây những bức tường khác dọc theo biên giới giữa nước này với I-rắc và I-ran. Theo hãng tin Sputnik, tờ Hurriyet Daily News dẫn lời các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có một số lượng đáng kể các trại của Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) ở I-ran nằm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Và bởi vậy, An-ca-ra muốn dựng lên bức tường biên giới để ngăn chặn các cuộc tấn công của người Cuốc. Dự kiến, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng một bức tường 70km trên các tỉnh biên giới A-gri (Agrı) và I-đi (Igdır) giáp với I-ran, phần còn lại của biên giới sẽ xây dựng các tháp canh, hàng rào kim loại, căng dây thép gai và bố trí đèn pha.

Đến nay, phía I-ran và I-rắc vẫn chưa có phản ứng chính thức đối với kế hoạch của An-ca-ra. Tuy nhiên, cũng giống như những gì đã diễn ra giữa Mỹ và Mê-hi-cô, việc dựng lên một bức tường biên giới không phải chuyện đơn giản. Nếu kế hoạch đó không được thực hiện dựa trên sự đồng thuận, thậm chí nó sẽ chỉ gây ra tác dụng ngược, khiến khu vực biên giới thêm phần căng thẳng.

TRUNG DŨNG