QĐND Online - Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-AMM47 và Diễn đàn Khu vực ASEAN – ARF 21, các nước ASEAN và các nước đối tác nhất trí, cần phải hành động kìm chế trên Biển Đông để cùng nhau tạo môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực. Dịch Ebola ở châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp nhận được sự quan tâm của bạn đọc tuần qua.

Đại diện các nước dự ARF 21. Ảnh: news.cn

1. Ngày 10/8, các Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF 21) đã ra Tuyên bố Chủ tịch. Tuyên bố Chủ tịch ARF 21 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ARF như một diễn đàn chính trị và an ninh chính nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác.

Tuyên bố Chủ tịch ARF cũng nêu bật những vấn đề khu vực và quốc tế được thảo luận tại diễn đàn, như tình hình tại Bán đảo Triều Tiên, Ukraine, Trung Đông, các vấn đề hạt nhân và thách thức an ninh phi truyền thống khác.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh, an ninh hàng hải, thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không.

Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh những hành động làm phức tạp tình hình. Tuyên bố Chủ tịch ARF hoan nghênh việc các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc tiến hành tham vấn về COC và hướng tới sớm kết thúc, dựa trên sự đồng thuận, để đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Nếu các nước lớn trong khu vực có thiện chí cùng hợp tác, khu vực Biển Đông sẽ là vùng biển an toàn, an ninh, hòa bình và hợp tác. Ảnh: cntv

* Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) đã ra thông cáo chung về kết quả đạt được của hội nghị về các vấn đề đã được. Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN; xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính; quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó vấn đề Biển Đông tiếp tục được nêu bật…

Theo đó, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các Bộ trưởng khẳng định lại các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông năm 2012 của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và Tuyên bố ngày 10/5/2014 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

2. Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Y tế của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 13/8, các quốc gia thành viên GCC đã nhất trí thông qua một kế hoạch nhằm ứng phó với sự lây lan bệnh dịch Ebola từ các nước Tây Phi, đồng thời cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian diễn ra lễ hành hương (Haji) về thánh địa Mecca ở Saudi Arabia.

Bản đồ những vùng có dịch Ebola xuất hiện, tính tới ngày 14-8. Ảnh: nsau.afirc

Các nhà khoa học từ khắp các phòng thí nghiệm trên thế giới đang chạy đua với thời gian để chế ra để chế ra vắc-xin ngăn ngừa virus Ebola. Chính phủ Canada cho biết, nước này sẽ trao vaccine ngăn virus Ebola cho Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm góp phần ứng phó với dịch bệnh Ebola đang hoành hành ở Tây Phi.

Trước đó, ngày 12/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân mắc virus Ebola nguy hiểm.

Châu Âu đã có nạn nhân đầu tin bị tử vong sau khi bị nhiễm virus Ebola tại Liberia. Báo cáo công bố ngày 13/8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổng số người chết trong đợt bùng phát nghiêm trọng nhất của dịch bệnh Ebola đã lên tới 1.069 người.

Nhiều quốc gia ở châu Phi đã phải đóng cửa biên giới ngăn chặn virus Ebola lây lan. Nhiều nước khác cũng đã cho khoanh dập dịch. Một số nước có kinh nghiệm chống dịch đã cử chuyên gia tới các điểm nóng của dịch bệnh Ebola.

3. Mỹ đang có những bước tích cực hơn nhằm thể hiện rõ sự quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo hãng tin AP, trong bài phát biểu khái quát các ưu tiên trong chính sách "xoay trục châu Á" của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ ngày càng có liên hệ chặt chẽ với châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp mới đây bên lề ARF21. Ảnh: cntv

Còn trong tuyên bố của mình ngày 13/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định với tư cách là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ rất coi trọng những lợi ích quốc gia tại khu vực này. Động thái rõ rệt nhất là Mỹ  đang tích cực can dự vào Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng vùng đất hoặc vùng biển trên Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, ép buộc...Tuyên bố của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cho xuất bản sách về “đường chín đoạn” bao trùm gần trọn Biển Đông.

4. Quan hệ Nga – Nhật lại căng thẳng khi ngày 12/8, Nga đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự tại quần đảo Nam Kuril. Quần đảo Nam Kuril, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido, Nhật Bản, do Moskva kiểm soát kể từ khi quân đội Liên Xô cai quản quần đảo vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Hoạt động tập trận cảu Nga ở Kuril. Ảnh: RT

Ngày 13/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chính phủ nước này sẽ trao công hàm phản đối Nga. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cuộc diễn tập quân sự mà nước này đang tiến hành ở vùng Viễn Đông không đe dọa tới bất cứ nước nào, kể cả Nhật Bản.


5. Ngày 15/8, quân đội Ukraine ra tuyên bố cho biết lính biên phòng và quan chức hải quan nước này đã bắt đầu kiểm tra chuyến hàng viện trợ nhân đạo của Nga trước khi đoàn xe này tiến vào lãnh thổ Ukraine.

Sở dĩ phía Ukraine phải kiểm tra vì nghi 280 xe tải của Nga đã chở hàng viện trợ tới khu vực biên giới chung trong chiến dịch bị Kiev tình nghi có thể là che đậy cho một chiến dịch quân sự ở Ukraine. Số hàng viện trợ này sẽ được chuyển tới miền Đông Ukraine - nơi đang xảy ra giao tranh giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai gây ra khủng hoảng nhân đạo.

Trước đó, cùng về việc này, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã ra thông báo bác bỏ cáo buộc của Australia cho rằng kế hoạch của Nga chở hàng cứu trợ đến miền Đông Ukraine là vỏ bọc cho sự can dự quân sự ở nước láng giềng.

 

Đoàn xe chở hàng nhân đạo của Nga. Ảnh: RT

Trong khi nhiều tranh cãi vẫn nổ ra xung quanh chuyến hàng cứu trợ của Nga cho miền Đông Ukraine, thì chiến sự tại đây vẫn diễn ra ác liệt. LHQ cho biết số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang đòi liên bang hóa tại miền Đông Ukraine đã lên tới hơn 2.000 người trong hai tuần qua. Quân đội Ukraine cho biết đã có thêm 11 binh lính thiệt mạng và 41 người khác bị thương trong các cuộc giao tranh trong 24 giờ qua.

Tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp tục leo thang khiến số người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đặc biệt là sang Nga, tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Theo số liệu mới nhất, số người dân miền Đông đang sống tại các điểm tạm trú của Nga đến nay đã vượt quá con số 51.000 người. Hiện Nga đã triển khai 703 điểm tạm trú tạm thời để trợ giúp người dân ở miền Đông Ukraine phải chạy khỏi đất nước.

6. Liên quan tới tình hình người lao động Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Libya, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết nhóm lao động Việt Nam đầu tiên tại quốc gia Bắc Phi này đã được sơ tán sang Tunisia qua cửa khẩu đường bộ Ras Ajdir vào ngày 13/8. Số lao động nói trên gồm tất cả 92 người và được nhiều công ty phái cử sang làm việc tại thủ đô Tripoli và các khu vực lân cận của Libya.

Cũng trong ngày 13/8, ông Trần Tam Anh, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, cho biết hiện Bộ Ngoại giao nước này đã chấp nhận về mặt chủ trương cho phép nhóm lao động Việt Nam thứ hai gồm 33 người nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ Salloum nằm trên biên giới giữa Libya và Ai Cập.

Trong hai ngày 13/8 và 14/8, có thêm 224 lao động Việt Nam tại Libya được sơ tán về nước trên 8 chuyến bay thương mại của các hãng hàng không quốc gia Ai Cập (Egypt Air) và Qatar (Qatar Airways) xuất phát từ sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập).

Những người lao động Việt Nam từ Libya trở về. Ảnh: Laodong

Như vậy, theo ông Đào Duy Tiến, tính đến hết ngày 12/8, đã có tổng cộng 1.024 lao động Việt Nam rời khỏi Libya về nước. Trong khi đó, hơn 500 lao động còn lại tại quốc gia Bắc Phi này sẽ được rút hết về nước trong những ngày tới theo chỉ đạo của Chính phủ.

7. "Kẻ tội đồ" Edward Snowden một lần nữa lại làm đau đầu giới chức tình báo và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), khi tiếp tục tiết lộ thông tin về chương trình chiến tranh mạng mới của Mỹ. Chương trình này có khả năng tự động giáng trả các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài mà không cần có sự tham gia của con người.

Chương trình được đặt mật danh "MonsterMind", có chức năng tự động tìm kiếm những dấu hiệu hoặc nguy cơ về các cuộc tấn công mạng và tự động phản công. Chương trình này đang trong quá trình phát triển nhưng đã vượt xa hơn bất bất cứ chương trình mạng nào từng được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Các sĩ quan tại một trung tâm chỉ huy mạng của quân đội Mỹ. Ảnh: unmltr

8. Ngày 13/8, lại có thêm một vụ máy bay rơi. Lần này máy bay trực thăng của ứng cử viên Tổng thống Brazil, ông Eduardo Campos đã lao vào một phòng tập thể dục và 2 ngôi nhà ở thành phố cảng Santos, khiến nhiều người thiệt mạng.

Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố Brazil tuyên bố để quốc tang ba ngày, cũng như thông báo về việc tạm ngừng chiến dịch tranh cử trong ba ngày. Theo thăm dò dư luận, ông Campos đang đứng vị trí thứ ba trong số các ứng cử viên cho chức tổng thống, với 10% cử tri ủng hộ.

 

NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)