DIB được xác định là tập hợp các doanh nghiệp, tổ chức của Mỹ và các quốc gia đồng minh chuyên thực hiện nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất, bảo trì các hệ thống của Lầu Năm Góc. DIB cũng bao gồm “các nhà cung cấp phần mềm và những dịch vụ trọng yếu khác” đáp ứng các yêu cầu quốc phòng của Mỹ. DIB hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp quốc phòng và các nhà cung cấp của những doanh nghiệp này.

Chiến lược nêu rõ, DIB chính là một trong 16 ngành hạ tầng trọng yếu được Chính phủ Mỹ quan tâm “hỗ trợ và quản lý rủi ro”. Chiến lược khẳng định việc bảo mật thông tin của DIB và Lầu Năm Góc trước các hoạt động mạng độc hại “có tầm quan trọng không kém gì nhau”. Trên tinh thần đó, chiến lược đề ra 4 mục tiêu để thực hiện tầm nhìn của Lầu Năm Góc cho giai đoạn 2024-2027 về một DIB “bảo mật, vững mạnh và vượt trội về công nghệ” nhằm bảo đảm ưu thế tác chiến của Mỹ.

leftcenterrightdel
Ông David McKeown, một quan chức cấp cao về an ninh thông tin của Lầu Năm Góc phát biểu với báo giới. Ảnh: defense.gov 

Mục tiêu thứ nhất là củng cố cơ cấu quản lý của Lầu Năm Góc đối với việc bảo đảm an ninh mạng cho DIB. Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy hợp tác liên ngành, đồng thời xúc tiến xây dựng các quy định về trách nhiệm bảo đảm an ninh mạng đối với các nhà thầu chính và nhà thầu phụ trong DIB. Mục tiêu thứ hai là tăng cường thế trận an ninh mạng của DIB. Lầu Năm Góc sẽ tiến hành đánh giá việc DIB tuân thủ các yêu cầu của cơ quan này về an ninh mạng; cải thiện việc chia sẻ thông tin với DIB về các mối đe dọa an ninh mạng, nâng cao khả năng phục hồi của DIB trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi các hoạt động mạng độc hại.

Mục tiêu thứ ba là dành ưu tiên bảo đảm an ninh mạng cho “các năng lực sản xuất trọng yếu” trong DIB. Mục tiêu thứ tư là cải thiện cơ chế phối hợp, liên lạc với DIB về an ninh mạng. “Chiến lược an ninh mạng đối với DIB là một khuôn khổ hành động để duy trì hệ sinh thái quốc phòng vững mạnh hơn trong không gian mạng-một trong những lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất hiện nay. DIB đóng vai trò quan trọng đối với việc đạt các mục tiêu an ninh quốc gia và duy trì lợi thế công nghệ của chúng ta. Yêu cầu cấp bách đặt ra là chúng ta phải bảo vệ DIB trước các mối de dọa tấn công và hoạt động mạng độc hại. Thông qua hợp tác và sử dụng các nguồn lực một cách phù hợp, chiến lược này sẽ thúc đẩy sứ mệnh bảo vệ đất nước của Bộ Quốc phòng Mỹ”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen H. Hicks nhấn mạnh trong phần lời nói đầu của chiến lược.

Theo trang mạng Defense News, Lầu Năm Góc công bố chiến lược an ninh mạng đối với DIB trong bối cảnh các nhà thầu quốc phòng của Mỹ thường xuyên bị đe dọa tấn công mạng. Trên thực tế, hồi năm 2022, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cùng một số cơ quan chức năng khác xác nhận tin tặc đã xâm nhập, duy trì quyền truy cập “trong một thời gian dài” vào hệ thống mạng của một nhà thầu quốc phòng và đánh cắp được những thông tin nhạy cảm. Danh tính nạn nhân không được tiết lộ.

Trước đó vài năm, tin tặc cũng từng xâm nhập vào hệ thống máy tính một nhà thầu của hải quân Mỹ, đánh cắp các thông tin liên quan đến một loại tên lửa chống hạm. “Hiện nay, nhất là ở Mỹ, mọi người không nên đánh giá thấp năng lực của tin tặc. Năng lực của chúng đã được chứng minh rất nhiều lần... Các đối thủ của Mỹ hiểu rõ được giá trị chiến lược trong việc nhắm mục tiêu vào DIB. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ có nguy cơ đối mặt với những hoạt động mạng độc hại do các đối thủ và chủ thể phi nhà nước tiến hành. Hợp tác với DIB, chúng ta có thể bảo đảm an toàn tốt hơn cho các thông tin trọng yếu cũng như ngăn chặn hiệu quả hơn việc các thông tin này bị lộ lọt trái phép”, ông David McKeown, một quan chức cấp cao về an ninh thông tin của Lầu Năm Góc phát biểu với báo giới khi công bố chiến lược an ninh mạng đối với DIB.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.