Trong một báo cáo mới đây của Cục Điều tra dân số Mỹ, giai đoạn từ tháng 7-2019 đến tháng 7-2020, dân số của xứ cờ hoa chỉ tăng thêm khoảng 1,1 triệu người (tương đương 0,35%). Đây là mức tăng thấp nhất kể từ khi cơ quan này đưa ra ước tính hằng năm trong 120 năm qua, kể cả giai đoạn đỉnh điểm của dịch cúm Tây Ban Nha vào các năm 1918, 1919 (0,49%). Nếu tính trong thập kỷ này, tốc độ tăng trưởng đó cũng chỉ là 6,6%, lên khoảng 332 triệu người, thậm chí còn thấp hơn mức tăng 7,3% trong thập kỷ xảy ra cuộc đại suy thoái vào thập niên 1930. 

Trẻ sơ sinh tại một cơ sở y tế ở ngoại ô thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AP

Các số liệu thống kê trên đã vẽ nên bức chân dung của một quốc gia đang trải qua sự đình trệ tăng trưởng dân số chưa từng có. Thậm chí, tình trạng này xuất hiện ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Dân số Mỹ chỉ tăng 0,48% trong năm 2018 và 2019, giảm so với mức trung bình hằng năm khoảng 0,66% kể từ năm 2010. Một thập niên trước, dân số tăng trung bình 0,97% mỗi năm, theo Cục Điều tra dân số Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng dân số của Mỹ chậm đi trong những năm qua chính là hệ quả của tỷ lệ sinh giảm cùng các biện pháp hạn chế nhập cư. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009 đã khiến nhiều người trẻ ở Mỹ hoãn kế hoạch sinh con, hoặc sinh ít con hơn bởi họ vẫn phải trả các khoản nợ tiền học đại học hay không thể mua nhà vì các điều kiện vay thế chấp khó khăn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, trong năm 2019, tỷ lệ sinh của nước này xuống mức thấp nhất với trung bình 1,71 ca mỗi phụ nữ, thấp hơn so với con số tối thiểu 2,1 ca mỗi phụ nữ để có thể duy trì số dân hiện nay. Bên cạnh đó, từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bắt đầu thực hiện lời hứa hạn chế nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, khi cho rằng Mỹ đang bị mất an ninh bởi những người di cư và người xin tị nạn. Để so sánh, năm 2015 và 2016, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ chào đón hơn 1 triệu người nhập cư, thì năm 2018 và 2019, con số này giảm chỉ còn gần 600.000. Rõ ràng, người nhập cư có thể giúp bù đắp số lượng dân số sụt giảm, nhưng việc di cư sang Mỹ giảm dần là một lo ngại nữa về tương lai tăng trưởng dân số của nước này.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm xu hướng tăng trưởng dân số Mỹ. Chuyên gia về nhân khẩu học William Frey của Viện Brookings có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) nhấn mạnh, dịch bệnh có lúc khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%-mức cao nhất kể từ cuối năm 1982-vô hình trung làm người dân Mỹ, nhất là lớp trẻ, buộc phải hủy bỏ kế hoạch lập gia đình hoặc chưa sinh con chừng nào họ thấy lạc quan về tương lai. Theo CDC Mỹ, nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 19 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 330.000 trường hợp tử vong. “Số người bị thiệt mạng vì dịch bệnh đã làm giảm đáng kể sự gia tăng dân số tự nhiên (cách biệt giữa số người sinh ra và chết đi) ở Mỹ”, ông Frey nhận định.

Thực trạng trên đang đặt nước Mỹ vào nguy cơ suy thoái dân số dẫn đến giảm chất lượng dân số và mất cân bằng dân số tương tự như một số khu vực, quốc gia có trình độ phát triển cao trên thế giới. Suy thoái dân số có thể phát sinh nhiều hệ lụy cho chính sách phát triển, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống xã hội... Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng dân số chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai không xa bởi vấn đề thiếu hụt lao động, giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh quốc gia này sẽ cần nhiều năm để có thể trở về thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu xuất hiện vào cuối năm 2019.

Dù vậy, sự sụt giảm tăng trưởng dân số của Mỹ vẫn có thể đảo ngược. Một số giải pháp cấp bách trước mắt mà chính quyền Washington cần cân nhắc, triển khai là các chính sách có lợi nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh sản, gia tăng nhập cư, và kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Đã đến lúc nước Mỹ không thể phớt lờ trước thực trạng đáng báo động này.

VĂN HIẾU