Phát biểu sau các cuộc hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Thủ tướng Donald Tusk đề nghị châu Âu cần quan tâm đến lợi ích của khối nhiều hơn và thể hiện tinh thần đoàn kết nội bộ lớn hơn khi đối mặt với sự cạnh tranh từ bên ngoài. Ông bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ Chủ tịch của Ba Lan sẽ là khoảng thời gian mang tính “đột phá” đối với EU. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh tại châu Âu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng để lấy lại sức cạnh tranh toàn cầu của khu vực và bảo đảm cạnh tranh công bằng, nâng cao vị thế của châu Âu trên trường quốc tế.
Thủ tướng Donald Tusk cho rằng, nhiệm kỳ Chủ tịch của Ba Lan sẽ diễn ra trong khoảng thời gian “khó khăn” và “then chốt” với những thách thức địa chính trị như xung đột ở Ukraine, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại quốc gia láng giềng Belarus, cũng như các cuộc xung đột và tình trạng căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới hay khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia lớn nhất châu Âu. Ba Lan cũng sẽ tổ chức cuộc bầu cử vào thời điểm chưa được xác định trong mùa xuân năm tới để thay thế tổng thống theo đường lối cánh hữu Andrzej Duda.
 |
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (bên phải) và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola. Ảnh: PAP
|
Ông khẳng định quyết tâm của Ba Lan trong bảo vệ biên giới trước làn sóng di cư đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn và nhu cầu bảo vệ biên giới đang trở thành cách tiếp cận chung của các quốc gia EU. Ông cho rằng, dù đối mặt với những thách thức lớn về an ninh, châu Âu vẫn có cơ hội trở thành khu vực an toàn và ổn định nhất trên thế giới. “Chúng ta còn nhiều việc phải làm, cần điều chỉnh một số phương pháp hành động trước đây, nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung khi cần thiết”, ông Tusk cho biết.
Nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ba Lan sẽ kéo dài từ ngày 1-1 đến hết tháng 6-2025. Theo Thủ tướng Donald Tusk, nhiệm kỳ này sẽ được đánh dấu bằng các hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an ninh trên nhiều khía cạnh: Chính trị, quân sự, kinh tế, môi trường và con người. Ông kêu gọi các quốc gia EU đoàn kết, vượt lên những chia rẽ để thống nhất quan điểm trong các cuộc đàm phán về năng lượng, khí hậu, lương thực, tăng cường năng lực phòng thủ của toàn bộ châu Âu và từng quốc gia thành viên, hợp tác xuyên Đại Tây Dương, cũng như các chính sách đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho rằng, cần mở rộng khái niệm an ninh, không chỉ bao gồm phòng thủ quân sự mà còn bao gồm an ninh năng lượng, khả năng phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. Bà Metsola nhắc lại lời kêu gọi ủng hộ Ukraine và ca ngợi vai trò của Ba Lan với tư cách là nhà lãnh đạo EU tiềm năng trong giai đoạn tới. Theo quan điểm của bà, Ba Lan nên thúc đẩy việc thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và dẫn đầu các nỗ lực giúp châu Âu tự chủ hơn về mặt an ninh tài nguyên và năng lượng.
Theo Reuters, hiện châu Âu đang phải đối mặt với nhu cầu năng lượng tăng trước thời điểm mùa đông, khiến cho dự trữ khí đốt ở "lục địa già" cạn kiệt nhanh chóng. Giới phân tích lo ngại khả năng giá khí đốt sẽ tăng vọt trong những tháng tới, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình và gia tăng áp lực đối với các nhà sản xuất đang gặp khó khăn ở châu Âu. Không chỉ vậy, EU cũng phải đối mặt với sức ép kinh tế từ Trung Quốc và viễn cảnh lặp lại căng thẳng thương mại với Mỹ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Có thể nói EU đang đứng trước những thách thức khổng lồ. Bất ổn chính trị tại Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, có khả năng lan rộng ra toàn bộ khu vực, làm suy yếu tiềm lực và sức mạnh của EU trong bối cảnh khối phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị ngày càng phức tạp. Một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết "những thách thức cấp bách nhất của châu Âu" trong 6 tháng tới được coi là trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới của Ba Lan.
NGỌC HÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.