QĐND - Trong hai tuần qua, tình hình tại Mê-hi-cô không ngừng “nóng” do các cuộc biểu tình trên khắp cả nước liên quan đến vụ 43 sinh viên mất tích.

Các hố chôn tập thể bí ẩn

Roi-tơ cho biết, ngày 9-10, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố khắp đất nước Mê-hi-cô. Tại thủ đô Mexico City, hàng nghìn người bao gồm các thân nhân sinh viên mất tích, đã diễu hành trên đường phố, mang theo ảnh những sinh viên mất tích, với nhiều biểu ngữ bày tỏ hy vọng, họ sẽ được trở về an toàn. Nhiều cuộc tuần hành với mục đích tương tự cũng diễn ra từ bang Goa-na-hoa-tô ở phía Bắc thủ đô Mexico City tới bang cực Nam Chi-a-pát với sự tham gia đông đảo của giới sinh viên, viên chức ngành giáo dục, các nhà hoạt động xã hội, các phong trào cánh tả và dân cư địa phương. Trước đó, hôm 2-10, hàng nghìn người biểu tình đã chặn tuyến đường cao tốc tới thành phố A-ca-pun-cô ở miền Nam Mê-hi-cô nhằm gây áp lực với chính quyền trong việc tìm kiếm 43 sinh viên bị mất tích.

Người dân Mê-hi-cô biểu tình yêu cầu chính phủ nhanh chóng làm sáng tỏ vụ mất tích của 43 sinh viên. Ảnh: Roi-tơ

Căng thẳng tại Mê-hi-cô bùng phát từ cuối tháng 9 vừa qua kể từ khi xảy ra vụ xô xát đêm 26-9, rạng sáng 27-9 giữa cảnh sát và các cổ động viên bóng đá cùng sinh viên tại thành phố I-goa-la thuộc bang miền Nam Ghê-rê-rô, làm 6 người thiệt mạng, 25 người bị thương và 43 sinh viên mất tích. Những nhân chứng cho biết, có 3 sinh viên bị bắn chết và hàng chục người khác được đưa đi trên các xe cảnh sát. Theo điều tra ban đầu, nhóm tội phạm "Guerreros Unidos" đã bắt tay với lực lượng cảnh sát thoái hóa ở địa phương nổ súng trấn áp các sinh viên. Hai đối tượng xã hội đen bị bắt thú nhận, đã sát hại 17 trong số 43 sinh viên theo lệnh của một sĩ quan cảnh sát địa phương.

Trong khi đó, ngày 10-10, Tổng Viện công tố Mê-hi-cô (PGR) cho biết, lực lượng cảnh sát liên bang vừa phát hiện 4 hố chôn tập thể tại thành phố I-goa-la. Vài ngày trước đó, giới chức địa phương cũng đã phát hiện một hố chôn thi thể của 28 người, trong đó có thể có cả một số sinh viên mất tích. Việc xác định danh tính của các nạn nhân này bằng ADN cần ít nhất 2 tuần và 45 chuyên gia trong và ngoài nước đang tham gia vào công tác nhận dạng thi thể.

Trước sức ép của dư luận, chính quyền bang Ghê-rê-rô đã ra lệnh bắt giữ 22 cảnh sát liên quan đến vụ nổ súng, đồng thời tiến hành thẩm vấn 140 người khác. Phát biểu ngày 6-10, Tổng thống Mê-hi-cô Ê. Ni-ê-tô (Enrique Pena Nieto) tuyên bố, chính phủ sẽ mở rộng điều tra và công lý sẽ được thực thi. Quân đội liên bang đã được triển khai tới I-goa-la sau khi cảnh sát địa phương bị cáo buộc dính líu tới các tổ chức tội phạm và không loại trừ khả năng liên quan tới vụ mất tích nói trên. Nhiều chốt kiểm soát đã được đặt tại nhiều địa điểm ở I-goa-la. Để làm dịu làn sóng chỉ trích của dư luận về quyền miễn trừ quá rộng rãi đối với giới quan chức Mê-hi-cô, cũng như để ổn định tình hình tại I-goa-la, Tổng thống Ê.Ni-ê-tô đã ra lệnh cho các đơn vị liên bang giải giáp toàn bộ cảnh sát I-goa-la và đưa hơn 100 nhân viên cảnh sát tại đây đi "tái huấn luyện" tại một số căn cứ quân sự trong khu vực. Trong tuyên bố gần đây, Thượng viện Mê-hi-cô cũng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt và áp dụng hình phạt thích đáng với mọi đối tượng tham gia vào thảm kịch này. Tổng công tố liên bang M.Ka-ram (Jesus Murillo Karam) khẳng định, sẽ mở cuộc điều tra hoàn toàn độc lập về vụ việc.

Trước những diễn biến có chiều hướng ngày càng xấu đi tại Mê-hi-cô, trong một phản ứng của mình, Oa-sinh-tơn cho biết bị “sốc” và vẫn đang theo dõi sát sao vụ sinh viên mất tích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki (Jen Psaki) đã hối thúc Mê-hi-cô nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc để đưa những kẻ gây án ra trước pháp luật. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ M.In-xun-xa (Jose Miguel Insulza) cũng kêu gọi làm sáng tỏ vụ việc, đồng thời khẳng định, vụ việc gây đau lòng cho người dân Mê-hi-cô cũng như người dân châu Mỹ.

Vợ chồng Thị trưởng I-goa-la “nhúng chàm”?

Hiện tại, tâm điểm nghi vấn đang dồn vào Thị trưởng I-goa-la L. A-ba-rơ-ca (José Luis Abarca) và vợ là bà P.Vi-gia (María de los Ángeles Pineda Villa). Ông L.A-ba-rơ-ca từng bị cáo buộc liên quan trực tiếp tới nhiều vụ thanh trừng các nhà hoạt động xã hội đòi cải cách, trong khi đó, bà P.Vi-gia đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hệ thống Phát triển gia đình toàn diện của thành phố I-goa-la và từng ra lệnh cho cảnh sát ngăn chặn một nhóm sinh viên đến cản trở một hội thảo do bà chủ trì, trong số đó có 43 người đang bị mất tích. Theo Tổng công tố liên bang M.Ka-ram, PGR đã phát lệnh truy nã ông L. A-ba-rơ-ca và bà P.Vi-gia. Theo Viện công tố bang Ghê-rê-rô, ít nhất ông L.A-ba-rơ-ca sẽ phải đối mặt với cáo buộc lơ là trách nhiệm vì đã không hành động sau khi nhận được báo cáo về vụ việc. Do được hưởng quyền miễn trừ dành cho giới chức công quyền nên vợ chồng ông L.A-ba-rơ-ca không bị lực lượng liên bang bắt giữ sau khi vụ việc vỡ lở. Hiện ông đang xin "nghỉ phép" 30 ngày. Cả hai người này đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi sự việc bùng phát.

AP cho biết, vụ việc 43 sinh viên mất tích chỉ là một trong số những ví dụ tiêu biểu cho thấy những bất ổn trong xã hội và thiếu trật tự an ninh liên quan đến các băng nhóm tội phạm và một bộ phận quan chức địa phương tha hóa tại Mê-hi-cô. Trên thực tế, tuy từ năm 2006, chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức đã được tiến hành quyết liệt, thế nhưng hiệu quả đem lại không đáng kể, và đã có hơn 50.000 người thiệt mạng. Dư luận vẫn cho rằng, chỉ khi chính quyền trung ương đủ mạnh để thiết lập trật tự, người dân không còn phải hứng chịu nỗi ám ảnh “sống trong sợ hãi”, cảnh "gió tanh mưa máu" vì tình trạng bạo lực hoành hành, thì Mê-hi-cô mới mong có được những ngày tháng bình yên.

HOÀNG VŨ