Khoa học thay đổi cuộc sống của phụ nữ châu Phi, trong đó có nữ Tiến sĩ Hyam Ali, người Sudan. Mới đây, nhà khoa học 28 tuổi này được trao giải Tài năng trẻ năm 2021 trong khuôn khổ Chương trình giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc châu Phi 2021” do UNESCO và L’Oréal Enterprise Foundation tổ chức.
Đặc biệt, tuy là tiến sĩ toán học nhưng Hyam lại phát minh ra phương pháp chẩn đoán bệnh mycetoma, một căn bệnh u nấm ở chân hiếm gặp.
“Học toán, một ý tưởng thật hài hước!”, “Học toán không tốt lắm đâu! Bạn sẽ không tìm được việc làm”... Đó là những lời mà bạn bè nói với Hyam Ali trước đây khi cô bày tỏ mong muốn có tấm bằng cử nhân toán học. Ai cũng tỏ ra dè dặt và khuyên cô gái trẻ đam mê khoa học rằng những ngành học khác sẽ giúp cô “có ích hơn cho đất nước”.
Tuy nhiên, Hyam Ali không từ bỏ ước mơ của mình. Tinh thần “thép” của cô được thừa hưởng từ người cha, một thợ rèn không có bằng cấp ở thành phố Taif của Saudi Arabia, quyết định đi tìm vận may ở quốc gia bên kia Biển Đỏ. Hyam Ali lớn lên ở Khartoum và coi Sudan là quê hương thứ hai của mình.
 |
Tiến sĩ Hyam Ali tại phòng nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Soba. Ảnh: Lemonde.fr |
Điều đáng mừng, quyết định theo đuổi ngành toán học của cô được cha, các chị gái và giáo viên trong trường ủng hộ. Gạt bỏ áp lực xã hội, Hyam Ali đã tốt nghiệp cử nhân khoa toán, rồi thạc sĩ ngành khoa học máy tính Trường Đại học Khartoum, trước khi sang Ghana theo học chuyên ngành tại Viện Toán khoa học châu Phi.
Kết thúc khóa học năm 2016, thay vì ở lại Ghana, nơi có nhiều cơ hội việc làm, Hyam Ali trở về Sudan bởi quê hương cần cô. “Nếu tất cả những người đi du học không trở về quê hương, Sudan sẽ không phát triển được”, Hyam nói.
Ở Sudan, Hyam tiếp tục nghiên cứu về toán học. Trong một lần tham gia hội nghị, cô tình cờ phát hiện ra mycetoma, một căn bệnh mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bổ sung vào danh sách “Các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên”.
Mycetoma là bệnh u nấm ở chân hiếm gặp, gây ra những tổn thương dạng u và những lỗ dò, do một số loại nấm và vi khuẩn xâm nhập sau một chấn thương da gây ra. Tổn thương bắt đầu ở da, tổ chức dưới da, sau đó lan dần vào xương.
Bệnh thường gặp ở chân nên còn được gọi là “Madurafoot”. Trong một số ít trường hợp, mầm bệnh xâm nhập não, màng não và các cơ quan lân cận. Ý tưởng nghiên cứu về căn bệnh này đã thôi thúc Hyam dấn thân vào thử thách mới: Nghiên cứu phương pháp chẩn đoán bệnh mycetoma bằng kiến thức toán học.
Trong phòng thí nghiệm của Bệnh viện Đại học Soba, bên bờ sông Nile, phía nam thủ đô Khartoum của Sudan, Tiến sĩ Hyam Ali chăm chú vào kính hiển vi để kiểm tra các mẫu vật. Hyam cho biết, để điều trị bệnh mycetoma, trước hết phải xác định nguồn lây. Khi còn học ở Ghana, cô phát hiện ra rằng, chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh đòi hỏi phải có kiến thức toán học “để giải quyết các vấn đề thực tế”.
Kể từ khi tập trung nghiên cứu bệnh mycetoma, Hyam đã đăng ký làm việc tại phòng thí nghiệm của Bệnh viện Đại học Soba. Đây là trung tâm nghiên cứu tiên tiến nhất thế giới về căn bệnh mycetoma. Tại đây có hơn 10.000 bệnh nhân đăng ký điều trị.
Theo Hyam, con số này thấp hơn rất nhiều so với số ca bệnh thực tế trong nước. “Chúng tôi không có con số chính xác về số người tử vong vì bệnh mycetoma. Mọi người thường xấu hổ và không nói về điều đó. Họ cố gắng tự chữa bằng các bài thuốc dân gian nhưng nhiều người đã chết vì nhiễm trùng huyết”, nhà nghiên cứu giải thích.
Do thiếu kinh phí để thực hiện các chiến dịch chẩn đoán quy mô lớn, Hyam Ali đã phát triển một công cụ chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh, từ đó so sánh với các chủng mycetoma khác nhau, đồng thời cho phép phát hiện nhanh sự hiện diện của virus trong mô của bệnh nhân. Phương pháp này ít tốn kém hơn so với các xét nghiệm phân tử (hoặc PCR) và phù hợp với nhu cầu của người bệnh ở vùng sâu, vùng xa.
Tiến sĩ Hyam cho rằng, ngay cả khi được phát hiện kịp thời, mycetoma vẫn là “địa ngục trần gian” với người bệnh. Các phương pháp điều trị vô cùng tốn kém, gây ra tác dụng phụ và cách chữa bệnh cuối cùng là cắt cụt chi.
Tuy nhiên, với phương pháp chẩn đoán mới, Tiến sĩ Hyam giúp người bệnh phát hiện và điều trị bệnh mycetoma sớm. Đó cũng là cách để cô tri ân quê hương thứ hai của mình.
Hiện nay, Tiến sĩ Hyam đang dạy môn toán tại một trường đại học ở Khartoum. Cô thường xuyên tham gia các hoạt động vận động trẻ em gái đi học xóa mù chữ cũng như hỗ trợ nữ sinh viên theo đuổi nghiên cứu khoa học.
PHƯƠNG VŨ