Hãng tin AFP mới đây dẫn kết quả cuộc khảo sát do hãng Maru/Matchbox thực hiện cho biết, có khoảng một nửa dân số tại Mỹ và Canada hàng ngày cập nhật các diễn biến trên thế giới thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, song đa phần trong số họ lại không tin tưởng vào sự chính xác của các nguồn thông tin này.
Theo sự ủy quyền của Quỹ Báo chí Canada, hãng Maru/Matchbox thực hiện cuộc khảo sát nói trên đối với 1.516 người Canada và 1.523 người Mỹ. Kết quả là có tới 52% số người Mỹ và 48% số người Canada được hỏi cho biết họ thu thập thông tin về tình hình thế giới thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter. Tuy nhiên, điều đáng nói là độ tin cậy đối với thông tin trên mạng xã hội ở Mỹ chỉ đạt 43% và ở Canada thậm chí còn thấp hơn với tỷ lệ 32%.
 |
Nhiều người ở Canada và Mỹ không còn đặt trọn niềm tin vào những thông tin trên Facebook, Instagram hay Twitter. Ảnh: CBC. |
Trong khi đó, mức độ tin tưởng mà người dân Mỹ và Canada dành cho các kênh tin tức truyền thống như đài phát thanh và báo chí lại đạt tới 80%.
Ngoài ra, những người tham gia cuộc khảo sát còn cho rằng tin tức chính trị thường là những thông tin hay bị sai lệch và giả mạo nhất. Khoảng 84% số người Mỹ được hỏi cũng tỏ ra lo ngại về tình hình tin giả tràn lan liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Mặc dù vậy, 50% trong số này tự tin rằng họ có đủ khả năng và sự tỉnh táo để phân biệt đâu là tin giả, đâu là những thông tin đúng đắn.
"Truyền thông xã hội đang làm thay đổi mối liên hệ của chúng ta đối với tin tức. Giờ mạng xã hội đã trở thành một nguồn thông tin và nguồn thạo tin phổ biến, nhưng người ta lại giảm đi sự tin tưởng đối với những tin tức mà họ đọc được ở đó", chuyên gia Sara Cappe thuộc công ty Maru/Matchbox nhận định.
Còn đối với giới trẻ tại Anh, tình hình có vẻ đang đi theo một hướng hoàn toàn khác. Tờ Daily Mail mới đây dẫn kết quả một cuộc khảo sát xã hội được thực hiện với hơn 2.000 thanh niên ở xứ sở Sương mù, trong đó chỉ ra rằng hiện đang có nhiều người trẻ tuổi đặt lòng tin vào những nhân vật hay những lời khuyên trên mạng xã hội hơn cả người thân xung quanh họ. Cụ thể, có tới 53% số thanh niên tại Anh cho rằng những lời khuyên hay chỉ dẫn được đưa ra trên Facebook, Instagram hoặc bởi các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là… đáng tin cậy hơn so với lời khuyên từ gia đình, bạn bè.
Chuyên gia Sara Cappe cho rằng, sự bùng nổ thông tin trên các trang mạng xã hội đang khiến "nhiều người cảm thấy gắn bó với tin tức hơn bao giờ hết".
Dẫu sao, kết quả khảo sát của Maru/Matchbox phần nào đã cho thấy một nghịch lý khá phổ biến hiện nay, đó là người ta coi mạng xã hội như một nguồn cung cấp thông tin không thể thiếu, song lại không thực sự tin tưởng vào nguồn tin này. Và có lẽ, thực tế đó diễn ra không chỉ ở Mỹ và Canada mà còn tại nhiều quốc gia khác.
Dĩ nhiên, khi người đọc tỏ ra thiếu niềm tin vào mạng xã hội thì họ lại phải nhờ tới những kênh tin tức truyền thống như báo chí, phát thanh, truyền hình để có được cái nhìn xác thực và thấu đáo nhất về những gì đang diễn ra trên thế giới.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng để có được những thông tin đúng đắn nhất từ mạng xã hội, vai trò kiểm chứng, tìm hiểu, đánh giá của người đọc là vô cùng quan trọng, nhất là khi Facebook hay Twitter vẫn đang được xem như “một phần tất yếu” của đời sống hiện đại.
Dù kết quả khảo sát chưa thể chứng minh cho sự “xuống dốc” của mạng xã hội, nhưng ít nhất cũng khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng, trong con mắt của chúng ta, “thế giới ảo” đang ngày càng “ảo” hơn?
ANH VŨ