Ngày 5-5, Nepal công bố mức tăng kỷ lục 8.605 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 359.610, theo Worldometer. Số ca nhiễm được ghi nhận tại Nepal lúc này nhiều gấp 57 lần so với tháng 4. 44% số lượt xét nghiệm cho kết quả dương tính.

"Những gì xảy ra ở Ấn Độ ngay lúc này chính là lời cảnh báo kinh hoàng cho tương lai của Nepal nếu chúng tôi không thể ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 mới nhất", Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal Netra Prasad Timsina nói.

Lò hỏa táng ở ở Kathmandu, Nepal đang quá tải do số lượng người tử vong vì Covid-19 tăng vọt. Ảnh: Reuters 

Tốc độ lây lan nhanh của virus làm dấy lên nỗi sợ rằng Nepal đang đứng bên bờ vực cuộc khủng hoảng tàn khốc như Ấn Độ, thậm chí tồi tệ hơn. "Tình hình đang tệ hơn từng ngày và có thể vượt kiểm soát trong tương lai", tiến sĩ Samir Adhikari, phát ngôn viên Bộ Y tế và Dân số Nepal chia sẻ.

Dịch Covid-19 tràn qua biên giới

Dù Nepal đã tăng cường kiểm soát biên giới và áp phong tỏa ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm thủ đô Kathmandu, một số người lo ngại rằng chúng không đủ để ngăn đại dịch càn quét quốc gia này.

Một số người đổ lỗi đợt bùng phát này bắt nguồn từ Ấn Độ, quốc gia láng giềng có biên giới mở với Nepal. Nhiều người Nepal có công việc kinh doanh ở Ấn Độ nên việc đi lại giữa hai nước khá thường xuyên. Trong những tuần gần đây, một số người Ấn Độ rời đất nước để sang Nepal, với hy vọng được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế hoặc để tránh đợt bùng phát thứ ba. "Rất khó để ngăn chặn việc đi lại giữa hai quốc gia", ông Adhikari nói. 

Nepal đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan do đường biên giới chung giữa Nepal và Ấn Độ trải dài 1.100 dặm (hơn 1.700 km) nên công tác quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Đây chính là một trong số các lý do khiến dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Cơn khát vaccine

Chỉ một tháng trước, quốc gia nằm ở dãy Himalaya với 31 triệu dân chỉ báo cáo khoảng 100 ca mỗi ngày, nhưng hiện tại, con số này là hơn 8.600. Trong khi đó, chỉ 1% dân số nước này mới được tiêm vaccine đầy đủ, theo tuyên bố của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC).

Chương trình tiêm chủng của Nepal cũng chậm lại. Trước đó, Nepal được Ấn Độ quyên góp một triệu liều vaccine AstraZeneca và cũng đặt mua thêm hai triệu liều từ Viện Huyết thanh Ấn Độ. Nhưng khi đại dịch nhấn chìm Ấn Độ vào tháng 4, việc xuất khẩu vaccine bị hạn chế. Chính quyền Nepal cho biết mới nhận được một nửa vaccine theo thỏa thuận.

Vì thế, chỉ 1,7 triệu trong gần 30 triệu người dân Nepal mới được tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên. Trong số ấy, cũng chỉ 380.000 người được tiêm mũi thứ hai.

Thủ tướng Nepal K.P.Sharma Oli thúc giục các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp vaccine và thuốc điều trị thiết yếu để ngăn cản hệ thống y tế yếu ớt của nước này sụp đổ. Thủ tướng Oli cho biết chính quyền đang liên lạc với Trung Quốc, Nga, cùng các nhà sản xuất khác để gấp rút có được vaccine.

Tuy nhiên, những thách thức mà Nepal phải đối mặt rất lớn. Quốc gia này có tỷ lệ dương tính cao gấp đôi Ấn Độ, đồng nghĩa một số lượng lớn ca nhiễm vẫn chưa được phát hiện. Số lượng xét nghiệm đã được tăng lên mức 20.000 mẫu mỗi ngày, nhưng các chuyên gia cho rằng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

LÊ ANH (Theo The Guardian)