Tại cuộc họp lần này, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. “Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có các mối quan hệ song phương quan trọng nhưng chúng ta cũng có quan hệ đối tác ba bên... Và tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy trong những năm qua, kể cả những tháng gần đây, là chúng ta đã làm việc hiệu quả cùng nhau trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tới đây là các vấn đề toàn cầu phía trước”, Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Blinken.
 |
Từ trái sang: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại cuộc họp ba bên ở New York (Mỹ) ngày 22-9. Ảnh: Kyodo News. |
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết phải chuẩn bị để hợp tác chặt chẽ với nhau và phản ứng nghiêm khắc trước mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”. Hồi đầu tháng 9, Quốc hội Triều Tiên đã thông qua luật mới cho phép Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của nước này. Ngoài vấn đề Triều Tiên, chiến sự tại Ukraine và vấn đề đảo Đài Loan cũng nằm trong nội dung thảo luận của cuộc họp ba bên lần này.
Trong khi đó, Kyodo News cho biết ba nước sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên, nhất trí tăng cường khả năng răn đe của liên minh Mỹ-Nhật Bản và Mỹ-Hàn Quốc, nhất trí bảo đảm việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Các ngoại trưởng cũng khẳng định cam kết chung trong nỗ lực nhằm hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính khí hậu, tiếp tục các nỗ lực tăng cường an ninh hàng hải và chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Theo giới phân tích chính trị, đối thoại Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản dường như đang đi đúng hướng sau 5 năm gián đoạn do quan hệ xấu đi giữa Seoul và Tokyo. Cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao lần này tiếp nối cuộc gặp ba bên tại Bali (Indonesia) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 hồi tháng 7, diễn ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 6 tại Madrid (Tây Ban Nha), bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với vai trò là đồng minh thân thiết của cả Seoul và Tokyo, Washington dường như cũng đã nhận ra khó có thể kiến tạo một liên minh quân sự vững chắc một khi Hàn Quốc và Nhật Bản còn chia rẽ sâu sắc. Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tokyo và Seoul đang tiến tới việc cải thiện mối quan hệ song phương vốn bị đình trệ do các bất đồng có nguồn gốc từ thời chiến tranh và các tranh chấp khác. Dẫn chứng là ngay trước cuộc họp ba bên cấp bộ trưởng ngoại giao một ngày, cũng tại New York, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kể từ cuối năm 2019. Trong cuộc gặp kéo dài 30 phút, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khôi phục mối quan hệ song phương lành mạnh, giải quyết những bất đồng về lịch sử và lãnh thổ, cũng như tăng cường hợp tác đối phó với mối đe dọa an ninh.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 23-9, tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu bảo vệ đã cập cảng quân sự tại Busan (Hàn Quốc) để tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc. Mục đích cuộc tập trận là nhằm “tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đồng minh và thể hiện quyết tâm kiên định của liên minh Mỹ-Hàn Quốc vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, theo Hãng tin AP.
HÀ PHƯƠNG