Hình thành “Bức tường Berlin”

Tiền đề dẫn tới một trong những thời điểm căng thẳng nhất trong Chiến tranh lạnh ở châu Âu được hình thành trước sự kiện năm 1961 vài năm. Cuối những năm 1950, mặc dù đã thành lập Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) do phương Tây hậu thuẫn và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) được Liên Xô bảo hộ, nhưng Berlin vẫn bị chia thành những khu vực được phân định sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Quy chế thành phố vẫn như trước, nhưng biên giới giữa các quận là theo quy ước, đặc biệt là sau khi Anh, Pháp và Mỹ thành lập Cộng hòa Liên bang Đức từ ba khu vực chiếm đóng của quân đồng minh, cũng như sau khi phía Liên Xô trao khu vực kiểm soát cho chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức.

Theo quan điểm của Liên Xô, tình trạng đó đã khiến cho Đông Đức bị nghi ngờ về tính tự chủ quốc gia, và quan trọng hơn, nó kìm hãm sự phát triển của nước này. Đặc biệt, nạn di cư sang phía Tây ngày càng tăng khiến chính quyền rất bất bình. Từ tháng 10-1949 đến tháng 7-1961, có gần 2,5 triệu người hoặc 1/6 dân số Đông Đức chạy sang Tây Đức. Hơn nữa, đây lại là những người trẻ tuổi và có khả năng lao động, điều này càng khiến thiệt hại tăng lên.

Từ năm 1958, Liên Xô nỗ lực để giành cho Berlin quy chế thành phố phi quân sự tự do. Tuy nhiên, những nỗ lực thông qua các tối hậu thư và đàm phán nhằm buộc các nước đồng minh cũ chống phát xít chịu nhượng bộ đã kết thúc mà không mang lại kết quả gì. Vì vậy, các bên đã ra quyết định tăng cường kiểm soát biên giới giữa hai khu vực Đông và Tây thành phố Berlin.

Phía Liên Xô chưa thể tìm ra những biện pháp hữu hiệu hơn, ngoài việc dựng hàng rào. Rạng sáng ngày 13-8-1961, chính phủ Đông Đức đóng cửa biên giới và bắt đầu xây dựng những công trình ngăn cách, mà về sau được biết đến với tên gọi là “Bức tường Berlin”. Trong vòng 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10-1961, bức tường đã tách biệt hoàn toàn Cộng hòa Dân chủ Đức với Tây Berlin. Tuy nhiên, trên biên giới giữa hai bên vẫn có vài cửa khẩu được dựng nên.

 Xe tăng Liên Xô và Mỹ đối đầu nhau tại cửa khẩu Charlie. Nguồn: russian7.ru

Tìm kiếm sự đáp trả

Lẽ dĩ nhiên, việc xây dựng bức tường không thể không khiến phương Tây lưu tâm đến. Phản ứng của phương Tây đối với việc này rõ ràng là rất tiêu cực. Phía Mỹ ngày 24-8-1961 đã điều gần 1000 binh sĩ đến dọc theo những khu vực phong tỏa do phía Đông Đức dựng nên để xây dựng bức tường. Sau đó, ngày 30-8, Tổng thống Mỹ John Kennedy tuyên bố điều động quân dự bị sang Tây Berlin. Trong tháng 9 và tháng 10-1961, số binh sĩ Hoa Kỳ tại khu vực do Mỹ kiểm soát đã tăng lên 40 nghìn người.

Đồng thời, người Mỹ bắt đầu xây dựng kế hoạch tháo dỡ bức tường ở những khu vực biên giới chung thuộc khu vực do Mỹ kiểm soát và ở phần phía Đông của thành phố Berlin. Thậm chí, họ còn tiến hành hàng loạt cuộc tập trận.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, nhưng chưa đủ nghiêm trọng để trở thành một cuộc xung đột trên thực tế. Trong khi lính Mỹ vẫn tích cực tìm kiếm cho mình một cái cớ. Ngày 13-9-1961, những chiếc tiêm kích Liên Xô đã bắn cảnh cáo, buộc những chiếc máy bay vận tải Hoa Kỳ quay trở về đúng quỹ đạo bay. Ngày 22-10, tại cửa khẩu Charlie, xe ô tô của Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại Tây Berlin Adam Lightner đã phải quay đầu trở lại, khi người này có ý định đến nhà hát Đông Berlin.

Lần thứ hai người Mỹ mưu toan vượt qua biên giới là vào ngày 26-10. Lần này họ đã thành công. Lúc đó, chiếc ô tô hạng nhẹ chở binh sĩ không được đi qua, khi đi cùng là những chiếc xe tăng tiến đến gần đường biên giới. Lính Mỹ quyết định lặp lại cách này vào ngày hôm sau. Sự thực, lúc này đi cùng những chiếc ô tô có đến 10 xe tăng M48 loại biến thể dùng cho công trình, phía trước có lắp lưỡi máy ủi đủ mạnh để san phẳng những mảng tường được xây lên vội vã.

Trên con đường Friedrich dẫn đến gần cửa khẩu, đoàn xe dừng lại vài mét cách biên giới và đợi lệnh tiếp theo. Sự chậm trễ này đã cho phép lính biên phòng của Cộng hòa Dân chủ Đức tập hợp thêm lực lượng đến cửa khẩu, trong đó có xe phun vòi rồng. Một giờ sau, đến trợ giúp họ có những chiếc xe tăng T-54A của Đại đội 7 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn xe tăng cận vệ Liên Xô số 68. Toàn bộ xe tăng này được vũ trang và sẵn sàng khai hỏa đáp trả.

Một phát đạn cũng có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân

Xe tăng Mỹ và Liên Xô lúc này còn cách nhau chỉ chừng 100m. Một loạt súng hay thậm chí một phát đạn vô tình bắn ra từ súng máy cũng có thể biến con đường Friedrich thành nghĩa địa của các phương tiện bọc thép, cũng như mất khả năng lưu thông trong thời gian dài. Chắc chắn những tòa nhà gần đó, thậm chí là cả thành phố Berlin cũng chịu chung số phận. Bởi khi đã tập trung quân trong thành phố, thì sự việc không kết thúc đơn thuần chỉ là bắn nhau qua lại. Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn là, nếu một trong hai bên có người chết thì có thể khơi mào Chiến tranh thế giới lần thứ ba, và có lẽ, đó là một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thực tế, sự việc xảy ra tại cửa khẩu Charlie đã trở thành vụ đối đầu công khai đầu tiên giữa Mỹ và Liên Xô. Tổng thống Mỹ John Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã phải mất gần một ngày trao đổi để thống nhất những điều kiện di tản lực lượng. Sáng ngày 28-10, lính Liên Xô là những người đầu tiên rút xe tăng đi. Một lúc sau, xe quân sự Mỹ cũng rời khỏi con đường Friedrich.

Hai bên vẫn bất đồng để rồi một năm sau đó, tiếp tục gây ra một cuộc xung đột khác ở phía bên kia địa cầu. Đó là cuộc khủng hoảng Caribbean, hay còn gọi là khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)