Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Hadi al-Bahra hy vọng hội nghị sẽ đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, bởi sự kiện sẽ có sự tham gia của đại diện tất cả các phe phái chính trị, thành phần xã hội và tầng lớp người dân Syria, nhằm định hình tương lai của đất nước dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời. Đây sẽ là hội nghị toàn quốc đầu tiên kể từ khi có sự thay đổi quyền lực ở Syria, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị phe đối lập, đứng đầu là nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lật đổ vào tháng 12 năm ngoái.

Lực lượng an ninh có liên kết với chính phủ lâm thời canh gác tại một góc phố ở thủ đô Damascus, Syria. Ảnh: AFP 

Gần đây, truyền thông Syria đưa tin, hội nghị được tổ chức tại thủ đô Damascus vào cuối tuần qua, quy tụ khoảng 1.200 đại biểu. Một ủy ban chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị cũng sẽ được thành lập. Tuy nhiên, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin từ chính phủ lâm thời Syria cho biết, việc tổ chức hội nghị có thể tiến hành từ giữa tháng 1 trở đi. Trong khi đó, theo Reuters, thời điểm tổ chức hội nghị vẫn chưa được quyết định.

The National cho biết, các đại biểu tham dự hội nghị dự kiến thảo luận, bỏ phiếu về một loạt quyết định liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3-4 năm tại Syria, chẳng hạn như việc thành lập một ủy ban hiến pháp có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp và đưa dự thảo này ra trưng cầu dân ý, hay kế hoạch tổ chức bầu cử. Cùng với đó, một cơ quan cố vấn có thể được thành lập để hỗ trợ một tổng thống lâm thời và hỗ trợ cơ quan hành pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Theo The National, giới phân tích đánh giá, bên cạnh việc bàn thảo những nội dung quan trọng trên, hội nghị cũng sẽ là phép thử quan trọng về việc liệu chế độ mới có thể thực hiện lời hứa thống nhất quốc gia Trung Đông này trong thời kỳ hậu al-Assad hay không.

Thông tin về việc chính phủ lâm thời Syria lên kế hoạch cho một hội nghị đối thoại toàn quốc được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria Ahmed al-Sharaa, đồng thời là thủ lĩnh nhóm HTS, đạt được thỏa thuận vào tháng trước với các thủ lĩnh đối lập, nhằm giải tán tất cả các nhóm vũ trang và hợp nhất dưới một Bộ Quốc phòng thống nhất. Ngoài ra, ông Ahmed al-Sharaa từng cho rằng, các cuộc bầu cử ở Syria có thể mất đến 4 năm, trong khi cần 3 năm cho việc soạn thảo hiến pháp mới. Điều đó có nghĩa là chính quyền lâm thời có thể sẽ kéo dài.

Sự kiện cựu Tổng thống al-Assad bị lật đổ, một mặt được cho là có thể chấm dứt tình trạng rối ren xung đột kéo dài, nhưng mặt khác cũng đẩy Syria tới một tương lai bất định. Trong nỗ lực mở đường ổn định đất nước, việc thành lập một chính phủ bao gồm tất cả các thành phần xã hội được coi là ưu tiên của ban lãnh đạo mới ở Syria. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X nhân chuyến thăm Saudi Arabia vào giữa tuần trước-chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức chính quyền mới tại Syria, người đứng đầu ngành ngoại giao trong chính quyền lâm thời Syria Asaad Hassan al-Shibani tuyên bố rằng, chính quyền lâm thời Syria đã nêu ra quan điểm của mình về việc thành lập một chính phủ dựa trên quan hệ đối tác và hiệu quả bao gồm tất cả các thành phần xã hội. Vì vậy, kết quả hội nghị đối thoại toàn quốc sắp tới ở Syria sẽ góp phần quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Trước đó, hội nghị quốc tế đầu tiên về Syria sau khi chính quyền cựu Tổng thống al-Assad sụp đổ, được tổ chức tại Jordan vào giữa tháng 12-2024, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành một quá trình chuyển giao chính trị hòa bình và toàn diện tại Syria theo tinh thần Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tiến trình này bao gồm việc thành lập một bộ máy quản trị lâm thời, soạn thảo Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.