Trước tình hình này, các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ các nước kém phát triển, đang phát triển để có thể ứng phó với những tác động không nhỏ từ BĐKH...

Những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra, trong đó có các đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục, hạn hán, mưa bão, đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. BĐKH không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái, mà còn tạo “rào cản” cho nhân loại trong tiến trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, thu hẹp bất bình đẳng xã hội...

Giải pháp giảm sức nóng của mặt trời ở Somalia. Ảnh: Getty Images.

Theo The Guardian, hiện nay, thế giới đang chứng khiến khoảng cách chênh lệch đáng kể về khả năng ứng phó với BĐKH khi người nghèo phải chịu các tác động tồi tệ nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan và khó có thể bảo vệ mình trước BĐKH, trong khi người giàu có thể thích ứng tốt hơn với tình trạng ấm lên của Trái Đất. Trong một báo cáo mới đây, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về nghèo đói cùng cực và nhân quyền Philip Alston cảnh báo, tình trạng BĐKH có thể đẩy lùi tiến bộ của thế giới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo ông Philip Alston, hiện tượng Trái Đất ấm lên tác động lớn đến quyền cơ bản của hàng trăm triệu người đối với cuộc sống, như: Nước, thực phẩm và nhà ở... Ông Philip Alston cũng cung cấp bằng chứng cho thấy BĐKH có thể đẩy 140 triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh vô gia cư từ nay đến năm 2050. “Thật trớ trêu, những người nghèo vốn chỉ chịu trách nhiệm về một phần nhỏ lượng khí thải nhà kính, lại phải hứng chịu gánh nặng từ BĐKH và ít có khả năng bảo vệ chính mình trước tình trạng này”, ông Philip Alston nhấn mạnh.

Các thảm họa thiên nhiên do BĐKH gây ra cũng tác động trực tiếp đến những ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, như: Nông nghiệp, ngư nghiệp... Trong khi đó, đây lại là những lĩnh vực mà người nghèo chiếm số đông. Do đó, người nghèo có nguy cơ nghèo hơn vì họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến BĐKH. Các nước châu Phi hiện đang bị tổn thương do tình trạng BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt kéo dài, gây tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Trong chuyến thăm đến các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tận mắt chứng kiến những tác động của BĐKH ở các quốc đảo này. BĐKH khiến nguồn sinh sống của người dân nơi đây bị phá hủy và bệnh dịch bùng phát. Theo ông Antonio Guterres, các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương gây tác động rất ít vào tình trạng BĐKH toàn cầu, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, các quốc đảo nhỏ không thể ngăn chặn BĐKH mà cần phải có sự góp sức của tất cả các nước trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mỗi năm, các nước nghèo gánh chịu khoản tổn thất hàng trăm tỷ USD do hệ thống cơ sở hạ tầng bị hủy hoại trong những thảm họa thiên tai phát sinh do BĐKH. WB đã cam kết khoản đầu tư 200 tỷ USD vào kế hoạch hành động chống BĐKH giai đoạn từ 2021 đến 2025. Theo đó, phần lớn hỗ trợ tài chính chống BĐKH được dành cho việc giảm bớt khí thải cũng như các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nhiều nước, nhiều doanh nghiệp cũng cam kết triển khai kế hoạch chuyển đổi phương thức sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, gây ảnh hưởng đến môi trường, sang các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường.

Tháng 12-2015, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp), Hiệp định Paris về BĐKH đã được thông qua với mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này. Thế nhưng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris hồi tháng 6-2017 được xem là một quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng BĐKH và ấm lên của Trái Đất. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, thế giới vẫn còn cơ hội hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 nếu các nền kinh tế, đặc biệt là các nước lớn, tạm gác những toan tính lợi ích kinh tế trước mắt để thúc đẩy hành động chung. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống BĐKH.

LÂM ANH