Theo Tehran Times, ngày 27-11, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố rằng nước này nghiêm túc trong các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Ông Amir-Abdollahian nhấn mạnh, quan điểm rõ ràng của Iran là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và quyền cùng lợi ích của người dân Iran phải được đề cao trên bàn đàm phán. Ngoại trưởng Iran bày tỏ hy vọng tất cả các bên tham gia đàm phán có thể thực hiện các bước đi cơ bản và thành công trong vòng đàm phán tại Vienna.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định lợi ích của nước này cần được bảo đảm trong các cuộc đàm phán. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho hay, Washington và các đối tác có khả năng sẽ gây áp lực với Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo sử dụng các cuộc đàm phán hạt nhân được nối lại tại Vienna làm cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông Malley nhấn mạnh: “Nếu Iran nghĩ rằng có thể sử dụng dịp này để tạo thêm lợi thế để rồi quay lại đòi hỏi nhiều hơn thì chắc chắn là sẽ không hiệu quả. Chúng tôi và các đối tác sẽ không để cho điều đó xảy ra”.

Sau 5 tháng trì hoãn đối thoại, vòng đàm phán đàm phán thứ 7 về JCPOA giữa Iran và Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga dự kiến bắt đầu diễn ra vào hôm nay (29-11) tại Vienna. Mỹ sẽ tham gia đàm phán một cách gián tiếp. Các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga sẽ làm trung gian trao đổi giữa hai bên vì các quan chức Iran từ chối gặp trực tiếp các đối tác Mỹ. Vòng đàm phán thứ 6 trước đó đã kết thúc vào tháng 6 năm nay.

JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận này, Tehran phải hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, đồng thời gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đáp trả lại, Iran đã thu hẹp dần một số cam kết theo thỏa thuận.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần bày tỏ ý định đưa nước này quay trở lại JCPOA. Tuy nhiên, Washington vẫn yêu cầu Iran tuân thủ trở lại các cam kết của mình trong thỏa thuận. Trong khi đó, Iran cho biết, Washington cần dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này trước khi yêu cầu Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Việc bên nào phải hành động trước vẫn là bất đồng lớn nhất giữa Washington và Tehran để đẩy nhanh tiến độ khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Tuy nhiên, trong thông báo gần đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Tehran đã một lần nữa tăng lượng dự trữ urani đã được làm giàu. Một tuần trước thời điểm diễn ra vòng đàm phán về hạt nhân lần thứ 7 tại Vienna, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã tới Tehran để đàm phán với giới chức Iran. Trong chuyến đi này, ông Grossi đã không thể đạt được thỏa thuận với Iran về các vấn đề quan trọng, trong đó có việc khôi phục quyền tiếp cận một cơ sở hạt nhân của nước này.

Việc IAEA “trắng tay” trong cuộc đàm phán với Iran báo hiệu những căng thẳng và khó khăn cho vòng đàm phán tại Vienna. Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh gần đây đã khẳng định, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là yếu tố quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới để khôi phục JCPOA. Ông Khatibzadeh nhấn mạnh, nếu thỏa thuận JCPOA không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể, cũng như khôi phục lại hoạt động thương mại cho Tehran thì cơ hội khôi phục thỏa thuận không thể tồn tại.

Nếu tại vòng đàm phán ở Vienna, các bên không thể thu hẹp được những bất đồng thì căng thẳng giữa Mỹ và Iran có nguy cơ tiếp tục leo thang. Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley từng cảnh báo Washington sẵn sàng chuyển sang các lựa chọn khác nếu Iran kéo dài đàm phán và tăng tốc chương trình hạt nhân.

LÂM ANH