Trong một thông cáo báo chí mới đây, theo Ủy ban châu Âu (EC): Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp y tế (HERA) của EC chính thức kêu gọi tất cả các nước thành viên, tổ chức và doanh nghiệp, chuyên gia y tế, người tiêu dùng, đối tác, các cơ quan của EU tham gia "Liên minh các loại thuốc quan trọng" (CMA). Việc thành lập CMA là một trong những "hành động then chốt" được EC công bố hồi tháng 10-2023 nhằm phòng, chống tình trạng thiếu hụt các loại thuốc quan trọng. Một loại thuốc được EU xác định là quan trọng nếu "được sử dụng trong điều trị các căn bệnh nguy hiểm và không dễ dàng thay thế bằng các loại thuốc khác trong trường hợp thiếu hụt". Trong danh mục các loại thuốc quan trọng của EU có một số loại kháng sinh, vaccine và thuốc chữa các căn bệnh hiếm gặp.

leftcenterrightdel
 Cờ EU. Ảnh: TTXVN

Theo EC, CMA được thành lập trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ các liên minh khác của EU nhằm ứng phó những thách thức lớn mà nhiều ngành công nghiệp của khối gặp phải như "Liên minh pin", "Liên minh các nguyên liệu thô quan trọng". CMA phục vụ lợi ích của người dân EU, giúp tìm ra các giải pháp nhằm mang lại "sự tự chủ chiến lược lớn hơn" của EU đối với các loại thuốc quan trọng, tập trung vào những loại thuốc "có nguy cơ thiếu hụt cao nhất" và "có tác động lớn nhất" đến hệ thống y tế và bệnh nhân. CMA dự kiến hoạt động trong thời gian 5 năm, bắt đầu từ mùa xuân này.

"Việc tiếp tục phối hợp hành động là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung những loại thuốc của EU trở nên bền vững hơn trong dài hạn... CMA sẽ tập hợp tất cả các bên liên quan làm việc cùng nhau để tăng cường hợp tác giữa EC, chính phủ những nước thành viên, ngành dược phẩm và xã hội dân sự của EU. CMA sẽ xác định các thách thức, ưu tiên hành động và giải pháp chính sách khả thi đối với vấn đề thiếu hụt những loại thuốc quan trọng tại EU. CMA cũng sẽ đóng vai trò như một mạng lưới để đẩy nhanh việc triển khai hành động của EU trong lĩnh vực dược phẩm", thông cáo báo chí của EC nêu rõ.

EC khẳng định, ngành dược phẩm của EU phát triển hàng đầu thế giới với thế mạnh về nghiên cứu, phát triển các loại thuốc mới, đóng góp lớn cho nền kinh tế của khối. Tuy nhiên, EC cũng thừa nhận, cho dù EU có một thị trường chung, song thị trường dược phẩm của EU-lớn thứ hai thế giới-"vẫn còn phân mảnh" khi mỗi nước thành viên có cách tổ chức hệ thống y tế khác nhau, dẫn đến "những khác biệt lớn" về giá cả và khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới đã phơi bày sự phụ thuộc của EU vào các chuỗi cung ứng bên ngoài. Trong mùa đông 2022-2023, tình trạng thiếu hụt các loại thuốc quan trọng, ví như kháng sinh, khiến dư luận EU không khỏi quan ngại. Thêm vào đó, việc đẩy mạnh sản xuất dược phẩm của EU còn gặp khó khăn do thiếu hụt lao động. Rồi tình trạng già hóa dân số làm gia tăng nhu cầu về các loại thuốc dành cho người cao tuổi. Những yếu tố đó làm ảnh hưởng tới các ưu tiên nghiên cứu và phát triển của ngành dược phẩm EU.

"Người dân phải được tiếp cận các loại thuốc một cách kịp thời và công bằng. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt cũng như tăng cường an ninh nguồn cung các loại thuốc là vô cùng quan trọng với EU. CMA là bước đi then chốt trong cuộc chiến chống lại tình trạng thiếu hụt các loại thuốc và giảm sự phụ thuộc của EU vào các nước thứ ba. Để bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn cho người dân, chúng ta phải tăng cường sự tự chủ của EU liên quan tới sản xuất, cung cấp các loại thuốc quan trọng", bà Stella Kyriakides, quan chức phụ trách vấn đề y tế và an toàn thực phẩm của EU và ông Frank Vandenbroucke, Bộ trưởng Y tế và các vấn đề xã hội của Bỉ nhấn mạnh trong một bài viết đăng trên trang mạng Euractiv.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.