Sức ép từ tấm bằng đại học

Theo The Guardian, hằng năm, hàng chục triệu học sinh Ấn Độ phải đối mặt với các kỳ thi căng thẳng để giành giật suất vào đại học. Nhiều trường có tỷ lệ tuyển chọn vô cùng gắt gao, cao hơn cả các trường đại học danh giá của Anh như Oxford và Cambridge.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ Yamini Aiyar nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thi cử lan rộng là do sức ép quá lớn từ việc tìm kiếm một suất vào đại học. Bên cạnh đó, việc xét nâng lương cho giáo viên Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào số học sinh vượt qua các kỳ thi. Còn nhà trường sẽ giúp học sinh gian lận hoặc nhắm mắt làm ngơ để nâng cao thành tích. 

Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm sự trong sạch trong thi cử. Ảnh: SCMP

Tâm lý chuộng bằng cấp, coi bằng đại học là tấm vé duy nhất vào đời để bảo đảm cuộc sống đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều bậc phụ huynh tại Ấn Độ. Với mong muốn con mình vượt qua kỳ thi căng thẳng và lấy được tấm vé vào đại học, nhiều phụ huynh Ấn Độ không ngần ngại tìm đến các đường dây gian lận thi cử để nhờ sự giúp đỡ. Chính điều này, khiến các đường dây gian lận thi cử có “đất sống”.

Mạng lưới gian lận thi cử hoành hành

Mùa thi ở Ấn Độ cũng chính là thời điểm làm ăn sôi động của đường dây gian lận thi cử-mạng lưới len lỏi khắp nơi nhằm trục lợi từ những phụ huynh muốn con em mình được vào đại học trong bối cảnh cơ hội làm việc tại quốc gia này rất hạn chế. Hằng năm có khoảng 17 triệu người đến tuổi lao động, trong khi chỉ có 5,5 triệu việc làm.

Ở Ấn Độ, hễ đến mùa thi là đường dây gian lận thi cử lại kiếm tiền bằng cách giải bài thi hộ trực tuyến, cũng như thực hiện giải pháp leo tường ném đáp án cho thí sinh. Năm 2015, hàng trăm người ở bang Bihar, miền Đông nước này, bị bắt vì trèo tường vào trường học để chuyển tài liệu cho học sinh trong giờ kiểm tra. 

Ngoài ra, còn có chuyện giáo viên luyện thi đứng ra làm “môi giới” cho các bậc phụ huynh có nhu cầu tiến hành giao dịch với người cung cấp đáp án. Báo chí Ấn Độ từng nói về câu chuyện cậu học sinh trung học Raghav gian lận trong thi cử. Chỉ vài phút trước khi buổi thi cuối kỳ môn Toán tại trường cấp ba ở New Delhi bắt đầu tính giờ, Raghav xin phép giám thị đi vệ sinh. Tại đây, nam sinh này đã dùng điện thoại gửi hình ảnh đề thi được cậu chụp trộm đến một số điện thoại mới lưu vài ngày trước. Vài phút trôi qua, điện thoại của Raghav báo có tin nhắn đến và trên màn hình hiện ra đáp án của bài thi môn Toán. 

Được biết, trước đó, mẹ của Raghav đã trả 16.000 rupee (gần 250USD) để con trai bà có được số điện thoại nói trên. Mẹ của cậu học sinh Raghav cũng cho biết, chính trung tâm luyện thi mà con trai bà theo học đã gợi ý việc gian lận. Theo đó, giáo viên luyện thi đã đề nghị bà liên lạc với một người có thể "ném phao” cho Raghav trong kỳ thi cuối kỳ môn Toán và Kinh tế. Cả bên sử dụng và bên cung cấp dịch vụ đều giấu kín danh tính của mình và chỉ liên lạc qua điện thoại. Với sự giúp đỡ của đường dây gian lận, Raghav đã vượt qua mọi kỳ thi. Giờ cậu đang theo học lớp nhiếp ảnh với mục tiêu xây dựng sự nghiệp với chiếc máy ảnh.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tại Ấn Độ, đề thi cuối cấp trung học hai môn Toán và Kinh tế đã bị rò rỉ trên ứng dụng di động WhatsApp khoảng 90 phút trước khi kỳ thi diễn ra. Kết quả là hơn 2,8 triệu học sinh ở New Delhi và các khu vực lân cận buộc phải thi lại vào cuối tháng 4.

Chính quyền Ấn Độ đã cam kết tăng cường an ninh mạng ngay sau khi xảy ra vụ bê bối để lộ đề thi hai môn Toán và Kinh tế trên ứng dụng WhatsApp. Bộ trưởng Giáo dục Ấn Độ Prakash Javadekar khẳng định, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và cách thức khiến đề thi hai môn Toán và Kinh tế bị lộ trên ứng dụng WhatsApp trước kỳ thi. Ông Prakash Javadekar nhấn mạnh: "Những kẻ phạm tội sẽ không được dung thứ. Tôi chắc chắn cảnh sát sẽ sớm bắt được chúng". Đồng thời, ông cũng cam đoan sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống dữ liệu bài thi để không xảy ra thêm những vụ việc tương tự. Trong bối cảnh tình trạng gian lận thi cử ngày càng gia tăng, cảnh sát Ấn Độ cũng được tăng cường tham gia giám sát tại các địa điểm thi mỗi khi mùa thi đến.

LÂM ANH