Theo trang mạng Defense News, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (với chức năng như Chính phủ) thông báo nước này đã nộp đơn xin tham gia ESSI, vốn do Đức khởi xướng từ năm 2022 và được kỳ vọng sẽ làm gia tăng an toàn cho toàn bộ châu Âu. Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn “tăng cường các cơ hội hợp tác quốc tế”, bảo đảm sự phối hợp trong mua sắm, huấn luyện, hậu cần liên quan tới các hệ thống phòng không khi tham gia ESSI. 21 nước thành viên hiện có, trong đó các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chiếm đa số, sẽ có thời gian hai tháng để đưa ra quyết định về nỗ lực tham gia ESSI của Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd (giữa) ký Bản ghi nhớ về tham gia Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), tháng 7-2023. Ảnh: Breaking Defense 

Thụy Sĩ nộp đơn xin tham gia ESSI trong bối cảnh, theo Viện Mises (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ), là quốc gia thực hiện chính sách trung lập lâu đời nhất trên thế giới (hơn 5 thế kỷ). Chính Thụy Sĩ cũng xác nhận nước này bắt đầu thực hiện chính sách trung lập từ năm 1515, song phải tới năm 1815 mới chính thức được cộng đồng quốc tế công nhận.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ khẳng định chính sách trung lập không cho phép nước này tham gia các cuộc xung đột bên ngoài hay bất kỳ liên minh quân sự nào, song không cản trở việc tăng cường hợp tác, thậm chí là tham gia các tổ chức quốc tế. Đơn cử như từ năm 1996, Thụy Sĩ đã tham gia chương trình đối tác vì hòa bình của NATO liên quan đến hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, không bao gồm các nghĩa vụ có tính ràng buộc pháp lý, ví dụ như phòng thủ tập thể. Hay như vào năm 2002, Thụy Sĩ gia nhập Liên hợp quốc trong một động thái mà nước này khẳng định là “bước đi tiến tới chính sách trung lập tích cực hơn”. Cũng không thể không nhắc đến mối quan hệ giữa Thụy Sĩ với Liên minh châu Âu (EU) vốn bị chi phối bởi 120 thỏa thuận.

Quan hệ hợp tác với NATO, EU hay tư cách thành viên Liên hợp quốc đã không ít lần khiến chính sách trung lập của Thụy Sĩ bị đặt dấu hỏi. Như trang mạng swissinfo.ch khẳng định, ngay từ đầu, chính sách trung lập của Thụy Sĩ đã gây tranh cãi. Mỗi đề xuất mới của Thụy Sĩ về hợp tác hoặc tham gia một tổ chức quốc tế đều làm dấy lên các cuộc thảo luận về chính sách trung lập của nước này. Thế nhưng, trong một thế giới toàn cầu hóa với các quốc gia trở nên phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, khái niệm trung lập “ngày càng trở nên khó định nghĩa rõ ràng”. “Người dân Thụy Sĩ vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính sách trung lập. Trong khi theo đuổi một chính sách trung lập tự nguyện và linh hoạt, Thụy Sĩ cũng đang nỗ lực thuyết phục các quốc gia khác rằng mình sẽ đứng sang một bên, thay vì can dự, trong trường hợp xảy ra chiến tranh”, trang mạng swissinfo.ch nêu rõ.

Cũng vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi Thụy Sĩ nộp đơn xin tham gia ESSI, chính sách trung lập lại được nhắc đến, buộc Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ phải lên tiếng khẳng định rằng nước này vẫn có quyền quyết định “mức độ tham gia trong ESSI” ngay cả sau khi trở thành thành viên. Defense News dẫn lời bà Samantha Leiser, một phát ngôn viên của Armasuisse-Cơ quan phụ trách mua sắm quốc phòng của Thụy Sĩ, cho biết thỏa thuận khung của ESSI có điều khoản “loại trừ tham gia hoặc can dự vào các cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia”.

Theo Defense News, giới phân tích nhìn nhận việc Thụy Sĩ muốn tham gia ESSI không đi ngược lại với chính sách trung lập mà nước này đã thực hiện trong mấy thế kỷ qua. Chuyên gia Marcel Berni tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich cho rằng, trở thành thành viên ESSI là vì lợi ích an ninh của Thụy Sĩ, “không có vấn đề gì”, “không xung đột” với chính sách trung lập. Vì Thụy Sĩ hiện “không có phương tiện để tự bảo vệ mình trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo” nên việc tham gia ESSI “là phù hợp khi nhìn từ góc độ quân sự”.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu độc lập Avenir Suisse (Thụy Sĩ) đánh giá nước này “có những điểm yếu về phòng không” và việc tăng cường tiềm lực quốc phòng sẽ rất tốn kém. Ở thời điểm ngân sách Liên bang eo hẹp, những sáng kiến hợp tác quốc tế như ESSI là “một giải pháp lý tưởng” với Thụy Sĩ. Trên thực tế, ESSI được xem là cung cấp một phương thức linh hoạt để các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí thông qua việc mua sắm chung các hệ thống phòng không như Patriot (Mỹ), IRIS-T (Đức) hay Arrow 3 (Israel), thay vì mỗi quốc gia phải chạy đua để xây dựng các hệ thống phòng không của riêng mình. 

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.