Tai nạn do thời tiết
Theo cơ sở dữ liệu của Liên hợp quốc, tàu chở hàng Ever Given treo cờ Panama thuộc sở hữu của một công ty cho thuê tàu có trụ sở tại Imabari, Nhật Bản mang tên Shoei Kisen KK. Ever Given được gọi là "siêu tàu" bởi nó có chiều dài tới 400m, rộng 59m và trọng tải 220.000 tấn. Theo báo chí Ai Cập, con tàu chở theo hàng trăm container hàng hóa đang trong hành trình tới điểm đến Rotterdam ở Hà Lan. Ngày 23-3, khi đi tới kênh đào Suez đúng thời điểm gió mạnh và bão cát xảy ra nên con tàu di chuyển chệch hướng, nghiêng sang một bên và mắc cạn. Dữ liệu vệ tinh từ marinetraffic.com cho thấy, mũi tàu của Ever Given đã chạm vào bờ phía đông của kênh đào, trong khi phần đuôi tàu tựa vào bờ phía tây.
 |
Nạo vét cát dưới chân tàu Ever Given ngày 25-3. Ảnh: AFP |
Vụ mắc cạn đã làm tê liệt dòng chảy thương mại hàng hải thế giới đi qua kênh đào này. Ước tính, hơn 200 tàu khác bị mắc kẹt ở hai đầu kênh đào. Nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa độc lập toàn cầu ICIS cho biết, sự chậm trễ do giao thương tắc nghẽn đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung ở một số thị trường.
Để giải cứu “siêu tàu” Ever Given, theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), cần phải nạo vét từ 15.000 đến 20.000m3 cát để đạt độ sâu 12-16m giúp tàu di chuyển khỏi khu vực mắc cạn. SCA cho hay, 87% công việc này do các tàu nạo vét cát thực hiện. Hiện Ai Cập đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ của các nước, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Công ty vận hành tàu Ever Given, Evergreen Marine Corp có trụ sở tại Đài Loan, cũng đang đặt niềm tin vào Công ty Smit Salvage của Hà Lan. Smit Salvage từng tham gia vào các hoạt động cứu hộ lớn trong những năm gần đây, đặc biệt, giải cứu tàu du lịch Costa Concordia của Italy bị mắc cạn ngoài khơi Tuscany năm 2012, hay tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga bị nạn hồi tháng 8-2000.
Trong bối cảnh việc giải cứu “siêu tàu” có thể kéo dài thêm nhiều ngày, các công ty vận tải hàng hóa quốc tế Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức) cho biết đang xem xét các lựa chọn để tránh kênh đào Suez của Ai Cập, trong khi hãng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng Pan Americas đã quyết định chuyển hướng. Khả năng duy nhất để liên kết châu Âu với châu Á hoặc Trung Đông là đi đến mũi Hảo Vọng ở cực Nam của châu Phi, tức là đi đường vòng khoảng 9.000km với thời gian 10 ngày.
Tuyến đường hàng hải quan trọng
Được hình thành theo sáng kiến của nhà ngoại giao-doanh nhân người Pháp, ông Ferdinand de Lesseps, dự án xây dựng kênh đào Suez khổng lồ nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải phải mất 10 năm mới hoàn thành và khánh thành vào năm 1869. Năm 1875, khoản nợ nước ngoài của Ai Cập đã buộc nước này phải bán cổ phần của kênh đào cho Vương quốc Anh. Đến năm 1956, Ai Cập mới giành lại quyền kiểm soát kênh đào.
 |
Ảnh chụp vệ tinh con tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez. Ảnh: Reuters |
Theo báo cáo của Công ty bảo hiểm an toàn hàng hải Allianz Global Corporate & Specialty, kênh đào Suez có hồ sơ an toàn khá tốt khi chỉ xảy ra 75 sự cố trong thập kỷ qua với mức độ không đặc biệt nghiêm trọng. Nhờ đất mềm nên tàu mắc cạn thường không bị hư hại, đơn cử như năm 2017, một tàu Nhật Bản bị mắc cạn ở kênh đào Suez trong vài giờ. Trước đó, năm 2008, tàu chở hàng 12.000 tấn của Anh bị mắc kẹt và khiến giao thông qua kênh đào này đình trệ trong 4 ngày.
Kênh đào Suez được xem là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. SCA cho biết, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020, thu về cho Ai Cập khoảng 5,61 tỷ USD. Tuy nhiên, do kích thước trung bình của các tàu đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua nên những tàu container khổng lồ như Ever Given rất khó khăn khi di chuyển ở kênh đào Suez. Trước thực trạng trên, từ năm 2015, Ai Cập đã tập trung vốn đầu tư vào việc mở rộng kênh đào Suez với mục tiêu giảm thời gian chờ đợi và tăng gấp đôi số lượng tàu sử dụng kênh đào này vào năm 2023.
BÌNH NGUYÊN