Theo Reuters, cuộc họp không chính thức của EU do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk chủ trì. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) Mark Rutte và Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng được mời tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo EU tập trung thảo luận về những năng lực quân sự mà họ cần trong những năm tới, cách thức tài trợ cho chúng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác nội khối thông qua những dự án chung. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Costa tuyên bố: “Châu Âu cần phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với quốc phòng của chính mình. Châu Âu cần trở nên kiên cường hơn, hiệu quả hơn, tự chủ hơn và là một bên tham gia bảo đảm an ninh và quốc phòng đáng tin cậy hơn”.

Binh sĩ từ các nước châu Âu, trong đó có Ba Lan và Thụy Điển, tập trung tham gia cuộc tập trận Baltops của NATO ở biển Baltic hồi tháng 6-2024. Ảnh: AP

Chủ tịch Hội đồng châu Âu thừa nhận rằng mỗi quốc gia EU có những ưu tiên ngân sách riêng nhưng cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tập trung vào những khoản đầu tư chung hiệu quả để tăng cường khả năng phòng thủ. Ông Costa cho rằng cuộc họp kéo dài một ngày này là dịp để các nước thành viên EU thảo luận cởi mở về chính sách quốc phòng của EU.

Sau cuộc họp, EU sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc quyết định chính thức nào. Tuy nhiên, cuộc họp này sẽ cung cấp cho Ủy ban châu Âu (EC) những nội dung cần thiết để hoàn thiện Sách Trắng về quốc phòng của EU, dự kiến công bố vào ngày 19-3. 

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các quốc gia châu Âu chi nhiều hơn cho việc bảo vệ chính họ và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ thông qua NATO. Việc ông Donald Trump yêu cầu các thành viên NATO chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng gây tranh cãi gay gắt ở châu Âu bởi con số này cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% GDP hiện tại. Điều này khiến một số chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách thêm lo ngại.

Ba Lan, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng đầu năm 2025, đã coi việc tăng cường an ninh cho khối là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU. Theo Thủ tướng Ba Lan Tusk, châu Âu không thể trông chờ vào sự bảo đảm an ninh từ Mỹ, mà cần phải hành động và chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính mình thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Năm 2024, các nước EU đã chi trung bình 1,9% GDP cho quốc phòng, đạt khoảng 326 tỷ euro (334,48 tỷ USD). Con số này tăng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự khác biệt lớn giữa các nước EU. Theo ước tính của NATO, Ba Lan cùng các quốc gia vùng Baltic nằm trong số những nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất tính theo GDP và Warsaw dẫn đầu với hơn 4,1% GDP. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của một số nền kinh tế lớn trong EU như Italy và Tây Ban Nha ít hơn nhiều khi lần lượt đạt khoảng 1,5% và 1,3%.

Việc tăng chi tiêu quốc phòng đang là vấn đề cấp bách đối với EU để khởi động lại ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sau nhiều thập kỷ đầu tư không đủ và bảo vệ khối này trước bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào. Theo EC, EU cần đầu tư 500 tỷ euro cho quốc phòng trong thập kỷ tới để tăng cường năng lực phòng thủ. Các nhà ngoại giao nhận định, những cuộc thảo luận về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng sẽ đặc biệt khó khăn vì nhiều nước châu Âu không có nhiều ngân sách tài chính công để dành khoản chi lớn cho quốc phòng.

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.