Theo thông cáo báo chí đăng tải trên website chính thức của Hội đồng EU, tại cuộc họp Hội đồng viễn thông EU ngày 6-12, bộ trưởng các nước thành viên EU đã thông qua một loạt kết luận mới, trong đó khẳng định ENISA sẽ đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng hơn trước. Cụ thể, ENISA không chỉ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật mà còn được giao thêm nhiều trọng trách như phát triển các hệ thống chứng nhận an ninh mạng, xây dựng nền tảng báo cáo duy nhất để xử lý sự cố, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu.
 |
Các đại biểu tại Hội nghị an ninh mạng châu Âu lần thứ 11 năm 2024 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Forum Europe |
“Các kết luận toàn diện này sẽ giúp xây dựng một không gian kỹ thuật số mạnh mẽ và bền vững ở châu Âu”, ông Zoltan Kovacs, Quốc vụ khanh về truyền thông và quan hệ quốc tế của Hungary-quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU-nêu rõ.
Hội đồng viễn thông EU đánh giá ENISA đã chứng minh năng lực trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với những mối đe dọa an ninh mạng thời gian qua. Trong bối cảnh các thách thức ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ phức tạp, EU cần thực hiện một bước đi chiến lược nhằm bảo vệ không gian mạng của mình. Do đó, việc nâng cao vị thế của ENISA là một bước đi tất yếu. Cơ quan này sẽ đóng vai trò trụ cột trong việc bảo vệ không gian mạng của EU, hướng tới một kỷ nguyên số thịnh vượng, an toàn và bền vững.
Mặt khác, Hội đồng EU khuyến nghị tăng cường nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên. Một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống chứng nhận an ninh mạng ở cấp độ toàn khối, góp phần tạo ra một tiêu chuẩn chung để các quốc gia và doanh nghiệp dễ dàng phối hợp với nhau. Ngoài ra, việc thiết lập một nền tảng báo cáo sự cố mạng duy nhất cũng được coi là giải pháp then chốt.
Quyết định tăng cường nhiệm vụ cho ENISA đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng trong chiến lược an ninh mạng của EU, tiếp nối nhiều biện pháp gần đây. Đơn cử, vào đầu tháng 12 này, Hội đồng châu Âu đã thông qua hai đạo luật, gồm Đạo luật đoàn kết an ninh mạng và Đạo luật an ninh mạng (CSA) sửa đổi. Một trong những nội dung được đề cập tới là việc thiết lập hệ thống cảnh báo an ninh mạng gồm các trung tâm an ninh mạng quốc gia và xuyên biên giới, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ phân tích dữ liệu nâng cao để phát hiện, đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) công bố sáng kiến thành lập mạng lưới Industry-Academia Network nhằm kết nối các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức đào tạo để cùng nhau xây dựng một lực lượng lao động có đủ năng lực bảo vệ không gian mạng của châu lục.
Khi công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai rộng khắp trên toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng là một trong những vấn đề cấp bách với châu Âu nói riêng. Báo cáo thường niên từ Tập đoàn bảo hiểm QBE của Australia thống kê số lượng cuộc tấn công mạng toàn cầu mang tính chất phá hoại và gây gián đoạn hệ thống tăng 105% hằng năm trong giai đoạn 2020-2024. Tại châu Âu, Google ước tính có khoảng 230.000 phần mềm độc hại được tải xuống mỗi ngày. Cùng với đó, EUobserver từng dự báo “lục địa già” sẽ có hơn 7,4 tỷ thiết bị không dây được kết nối internet vào năm 2030 nhờ sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), song cũng cảnh báo những thiết bị này có thể là mục tiêu của hơn 80% các cuộc tấn công mạng.
MINH KHÁNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.