Firstpost cho biết động lực mới đó là việc Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cùng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thiết lập lá chắn phòng không chung với lập luận rằng châu Âu sẽ an toàn với điều kiện bầu trời châu lục an toàn. Theo hãng thông tấn PAP, trong một bức thư chung gửi Ủy ban châu Âu (EC), lãnh đạo Ba Lan và Hy Lạp cho rằng lá chắn phòng không chung có thể tăng cường năng lực răn đe của EU và là "chất xúc tác" để hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng của khối.

Đài TVP World dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo đề xuất của Ba Lan và Hy Lạp đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia thành viên EU. Defense News đưa tin rằng EU hiện đang xem xét việc thiết lập lá chắn phòng không chung sau khi các lãnh đạo của khối bày tỏ đồng tình với ý kiến của Warsaw và Athens.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (giữa) chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Dendias (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler (bên phải) ký ý định thư tham gia ESSI, tháng 2-2024. Ảnh: Anadolu 

Dựa trên thông tin mà truyền thông châu Âu đăng tải, có thể thấy bức thư của Thủ tướng Tusk và người đồng cấp Hy Lạp Mitsotakis không trực tiếp nhắc đến ESSI. Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên trang mạng Firstpost lại nhận định đề xuất chung của Ba Lan và Hy Lạp là động lực mới cho ESSI. Trên thực tế, Thủ tướng Tusk từng khẳng định Ba Lan sẽ tham gia ESSI. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, phát biểu tại một cuộc họp của các chính trị gia và doanh nhân EU, nhà lãnh đạo Ba Lan tuyên bố ESSI nên trở thành "một dự án của châu Âu". Đối với Hy Lạp, nước này đã chính thức tham gia ESSI từ tháng 2 năm nay.

Theo DW, ESSI được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề xuất vào tháng 8-2022 với kỳ vọng "làm gia tăng an toàn cho toàn bộ châu Âu" và chính thức ra mắt vào tháng 10 cùng năm khi Đức cùng 14 quốc gia đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ký ý định thư về việc mua sắm chung các hệ thống phòng không như Patriot (Mỹ), IRIS-T (Đức) hay Arrow-3 (Israel).

ESSI được nhìn nhận là cách tiếp cận đa quốc gia và đa diện, cung cấp "một phương thức linh hoạt" để các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ "một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí", thay vì mỗi quốc gia phải chạy đua để xây dựng các hệ thống phòng không của riêng mình. Cho đến nay, ESSI có 21 thành viên. Sáng kiến này một mặt được cho là độc lập với NATO vì có sự tham gia của các quốc gia theo đường lối trung lập như Áo và Thụy Sĩ, mặt khác lại có thể bổ sung cho các hệ thống phòng không hiện có do liên minh quân sự thiết lập ở châu Âu.

Firstpost cho biết, bất chấp các lợi ích tiềm năng quan trọng, ESSI đang phải đối mặt với không ít thách thức lớn, từ những khó khăn trong "cân bằng các ưu tiên quốc gia với các mục tiêu tập thể", khác biệt về quan điểm, các trở ngại về kỹ thuật, hậu cần cho đến việc bảo đảm mua sắm chung phải vừa công bằng, minh bạch, vừa phải hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu phát triển.

Một ví dụ cụ thể về các thách thức này là Pháp, một đầu tàu của châu Âu, từ chối tham gia ESSI vì cho rằng sáng kiến của Đức khiến khu vực lệ thuộc vào các quốc gia và doanh nghiệp bên ngoài sản xuất các hệ thống phòng không. Hồi năm ngoái, Pháp thậm chí còn công bố sáng kiến mà Firstpost đánh giá là cạnh tranh với ESSI khi xứ lục lăng cùng một số quốc gia châu Âu như Estonia, Hungary, Bỉ, Cyprus ký ý định thư mua chung hệ thống phòng không Mistral do tập đoàn quốc phòng châu Âu MBDA sản xuất.

"ESSI là một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống phòng không tích hợp và mạnh mẽ cho châu Âu. Với sự ủng hộ từ các quốc gia như Ba Lan và Hy Lạp, sáng kiến này đã có thêm động lực mới. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các tiềm năng của ESSI thì cần phải giải quyết được các thách thức. Chặng đường phía trước không đơn giản, nhưng với nỗ lực chung và cam kết lâu dài, ESSI có thể trở thành nền tảng của cấu trúc quốc phòng châu Âu, bảo đảm an ninh và ổn định hơn cho châu lục", trang mạng Firstpost bình luận.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.