Chuyến công du này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận không phải vì lần đầu tiên trái với thông lệ 50 năm qua, Ngoại trưởng Mỹ đã đi công du châu Á mà không có các nhà báo tháp tùng (Bộ Ngoại giao Mỹ thu xếp cho các nhà báo đi bằng máy bay thương mại và tiếp cận sự kiện ở các điểm dừng của ngoại trưởng); mà bởi cả ba nước mà ông R.Tin-lơ-xơn ghé thăm lần này: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều nằm trong nhóm “hồ sơ” rất thách thức mà ngành ngoại giao Hoa Kỳ phải giải quyết.
Thông qua chuyến công du, người ta cũng sẽ phần nào định hình được những đường hướng chủ chốt trong chính sách đối ngoại của tân chính quyền Mỹ đối với châu Á, một đường hướng mà tròn hai tháng sau khi ông Đ.Trăm chính thức bước chân vào Nhà Trắng, vẫn còn quá nhiều điểm khá mù mờ khiến cho đến ngay các nhà phân tích chính trị kinh nghiệm cũng nhiều phen bối rối.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đối mặt không ít thách thức trong chuyến công du châu Á đầu tiên Ảnh: Reuters.
Ngay trước chuyến công du tới châu Á của Ngoại trưởng R.Tin-lơ-xơn, phía Mỹ đã làm rõ một điều mà bấy lâu nay dư luận vẫn phân vân, đó là số phận của chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Phát biểu trong cuộc họp báo một ngày trước khi ông R.Tin-lơ-xơn lên đường đi Tô-ki-ô, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, bà Xu-xân Thon-tơn (Susan Thornton) tuyên bố: “Xoay trục, tái cân bằng... đó là những cụm từ để mô tả chính sách của chính quyền khóa trước. Tôi nghĩ quý vị có thể kỳ vọng là chính quyền này (của ông Đ.Trăm) sẽ có công thức riêng”.
Nói cách khác, chiến lược “xoay trục” đã chính thức bị khai tử. Một công thức mới, hay thậm chí ngay cả một câu khẩu hiệu (slogan) cho chính sách mới (với châu Á) vẫn còn chưa hình thành. Nước Mỹ có thể vẫn gắn kết với khu vực này nhưng theo một cách khác và chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ có thể làm rõ thêm tính chất của sự gắn kết ấy.
Thật ra, chuyến thăm của Ngoại trưởng R.Tin-lơ-xơn tới Nhật Bản đã được dọn đường một cách thuận lợi bởi hai chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) trước đây, đặc biệt là chuyến thăm hồi tháng 2 vừa qua, khi mà ông S.A-bê được đối đãi cực trọng thị, đi cùng chuyên cơ, chơi golf và ăn chung với Tổng thống Mỹ tới 5 lần trong vài ngày Thủ tướng ở Mỹ! Khả năng tạo thêm 700.000 việc làm mới tại Mỹ cùng với việc tạo lập ra một thị trường mới trị giá tới 450 tỷ USD trong một thập kỷ tới là “món quà” hậu hĩnh mà Thủ tướng Nhật Bản mang tới Oa-sinh-tơn dưới tên gọi “sáng kiến tăng trưởng và việc làm Mỹ-Nhật”.
Trái với những lo âu từ phía Nhật Bản do những tuyên bố trước đây của ứng cử viên Đ.Trăm trong thời kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ rằng Nhật Bản cần tăng chi phí và tự chủ hơn trong vấn đề an ninh, Tổng thống Đ.Trăm đã tái khẳng định cam kết Mỹ sẽ tiếp tục bảo trợ an ninh cho Nhật Bản dựa trên hiệp ước ký giữa hai bên.
Còn ở Tô-ki-ô, cả hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ tăng cường can dự trước những biến đổi trong khu vực. Nhưng trọng tâm trong các hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ hướng về một chủ đề chính: Triều Tiên. Chính xác hơn là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, một “hồ sơ” có thể nói là thách thức vào bậc nhất đối với chính quyền của Tổng thống Đ.Trăm.
Bởi vì nó không chỉ liên quan đến chính Triều Tiên mà còn liên quan đến một “đối tác” khác: Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, những nỗ lực trong 20 năm qua đối với vấn đề phi hạt nhân của Triều Tiên đã thất bại. Thế nên ngoài việc khẳng định “cần phải có một cách tiếp cận khác” đối với vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida) đã khẳng định rằng: “Vai trò của Trung Quốc, nước có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Triều Tiên, là quan trọng”.
Có thể thấy là bất chấp những tuyên bố gây sốc trước đây của ông Đ.Trăm cũng như việc Mỹ nhanh chóng rút khỏi TPP, một định chế hợp tác thương mại mà Tô-ki-ô đã đặt rất nhiều kỳ vọng, chính sách đối ngoại của Mỹ trong quan hệ với Nhật Bản đã quay trở lại với khuôn khổ truyền thống. Oa-sinh-tơn hiểu rằng mối quan hệ đồng minh gắn bó với Tô-ki-ô trong nhiều thập kỷ qua vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng mang tính sống còn trong việc bảo đảm lợi ích an ninh cũng như kinh tế của cả hai bên. Không dễ để có thể thay đổi vị thế đó, ngay cả khi phương châm “nước Mỹ trên hết” được đặt lên hàng đầu.
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục theo chân Ngoại trưởng Mỹ đến Xơ-un (Seoul). Ở Xơ-un, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đưa ra một trong những tuyên bố cứng rắn, thậm chí là bất thường nhất từ trước đến nay: “Sự kiên nhẫn chiến lược đối với Triều Tiên đã chấm dứt. Mọi lựa chọn đều đang được thảo luận”.
Đây là uyển ngữ quen thuộc thường được sử dụng trong ngoại giao để chỉ ra một thực tế là Mỹ đang cân nhắc mọi phương án, kể cả hành động quân sự phủ đầu, để ngăn ngừa chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Vừa mới tới Xơ-un, ông R.Tin-lơ-xơn đã vội vã tới khu phi quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, khu vực được cựu Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn (B.Clinton) mô tả “là nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất”. Ở làng đình chiến Pan Mơn Chơn, ông R.Tin-lơ-xơn đã gặp gỡ các chỉ huy của 28.000 quân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc tại vị trí chỉ cách những người lính biên phòng CHDCND Triều Tiên bên kia giới tuyến vài bước chân. Những tuyên bố cứng rắn cùng với động thái mang tính biểu tượng này của Ngoại trưởng Mỹ là chỉ dấu cho thấy “hồ sơ” Triều Tiên sẽ là một trong những hướng ưu tiên phải giải quyết trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Đ.Trăm.
Một lần nữa, “hồ sơ” Triều Tiên tiếp tục phủ bóng lên chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ chỉ ít giờ trước khi ông R.Tin-lơ-xơn đặt chân đến Bắc Kinh. Bằng dòng trạng thái ngắn gọn trên trang mạng xã hội Twitter, vốn là công cụ mà ông Đ.Trăm thường xuyên sử dụng để truyền đi các thông điệp của mình, ông Đ.Trăm viết: “Bắc Triều Tiên đang hành xử rất tệ. Họ đã giỡn mặt Mỹ trong nhiều năm. Trung Quốc đã làm rất ít để giúp đỡ!”.
Ý của chủ nhân Nhà Trắng phía sau dòng trạng thái này rất rõ: Mỹ vẫn luôn kỳ vọng Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động, ngăn cản Bình Nhưỡng thực hiện chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng Bắc Kinh đã không đáp ứng được sự kỳ vọng đó.
Dòng trạng thái không hề “ngoại giao” của Tổng thống Mỹ, cùng với sự giận dữ của Trung Quốc gần đây trước việc Mỹ cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD (với lý do để đối phó với nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên) khiến người ta dự báo ông R.Tin-lơ-xơn sẽ có một chặng dừng chân khó khăn ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ở Bắc Kinh, ông R.Tin-lơ-xơn lại có một giọng điệu hòa dịu hiếm có. Cho dù không hoàn toàn san lấp được sự khác biệt trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, ông R.Tin-lơ-xơn cho rằng cả hai phía đã nhất trí hợp tác để “thuyết phục” Triều Tiên thay đổi quyết tâm theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Nhưng quan hệ Mỹ-Trung không chỉ giới hạn xung quanh những khác biệt xung quanh vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại cam kết của Tổng thống Đ.Trăm về việc tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, xóa đi hầu như hoàn toàn những lo âu từ Bắc Kinh trước việc ông Đ.Trăm nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng từ người đứng đầu Đài Loan gần hai tháng trước đây.
Và một lần nữa, quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới lại đóng vai trò trọng tâm trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng tuyên bố rằng, Trung Quốc “không muốn thấy bất cứ một cuộc chiến tranh thương mại nào nổ ra giữa hai nước”. Đấy có lẽ cũng là mong muốn của ông Đ.Trăm cùng nội các với sự có mặt nhiều tỷ phú của Tổng thống Mỹ. Bản thân Ngoại trưởng Mỹ cũng từng là một Tổng giám đốc điều hành trong lĩnh vực dầu khí. Muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc (năm 2016 lên đến 347 tỷ USD) thì nước Mỹ cần phải có một lộ trình hợp tác với quốc gia có hơn 1 tỷ dân này. Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ có lẽ là bước đầu tiên trên lộ trình này.
Cho dù xuất phát từ động cơ tạo tiền đề tốt đẹp cho chuyến thăm Mỹ vào đầu tháng 4 tới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hay vì những lợi ích to lớn về địa chính trị hoặc kinh tế, việc Ngoại trưởng Mỹ có cách thể hiện mềm mỏng ở Bắc Kinh là điều có thể hiểu được. Lúc cương lúc nhu, khi cứng rắn khi mềm mỏng, chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ nhằm đạt được mục tiêu tối thượng mà Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố: “Nước Mỹ trên hết!”.
VĂN YÊN