Sau 5 năm, thành phố lớn thứ hai của Iraq đang được hồi sinh, cuộc sống người dân dần ổn định dù vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Trong những ngày tháng 7 này, thành phố Mosul trở nên tấp nập hơn khi đón nhiều người dân trở về sau một thời gian dài đi lánh nạn.
Trở lại quê hương sau 8 năm chạy tị nạn, ông Nourredine, 59 tuổi, một cư dân của Mosul, nói trong nghẹn ngào: “Tôi không có từ nào để diễn tả hết niềm hạnh phúc. Một cảm giác tuyệt vời khi được trở lại thành phố và sống trong ngôi nhà của mình”.
 |
Một góc của thành phố Mosul sau 5 năm được giải phóng khỏi tổ chức IS. Ảnh: AFP |
Ngôi nhà của ông Nourredine bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Với sự hỗ trợ của UNESCO, ông Nourredine là một trong 124 người được nhận nhà mới. “Chính phủ Iraq đồng ý bồi thường cho người dân, nhưng thủ tục rất mất thời gian. Nếu không có sự giúp đỡ của UNESCO, gia đình tôi vẫn ở trong trại tị nạn”, ông Nourredine chia sẻ.
Nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn như vậy. Trong con hẻm liền kề, hai người đàn ông hì hục xúc cát. Họ cho biết, chiến tranh đã phá hủy toàn bộ nhà cửa, đồ đạc và họ phải xây dựng lại nhà, số tiền bỏ ra ước tính khoảng 4.000USD (gần 100 triệu đồng).
“Tôi tới Mosul lần đầu tiên khi cuộc chiến chống IS kết thúc. Mosul giống như một thành phố ma. Tôi nhìn xung quanh chỉ thấy đống đổ nát của các tòa nhà, những con đường trống trải với một vài người đang kiệt sức”, bác sĩ Sahir Dawood, một thành viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) nhớ lại.
Theo ông Dawood, năm 2016 và 2017, Mosul từng chứng kiến một trong những trận chiến đẫm máu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 5 năm sau, những cây cầu đã được xây dựng để kết nối khu vực phía tây và phía đông của Mosul, người dân đi lại tấp nập hơn. Trên các con phố, rào chắn và trạm kiểm soát dần được dỡ bỏ, một dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh đang được cải thiện.
Dù cuộc sống ở Mosul đang hồi sinh nhưng người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do số lượng nhà ở giảm đáng kể nên người dân sống chen chúc trong ngôi nhà tạm. Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh và đại dịch Covid-19 chậm cũng là gánh nặng đè lên vai người dân.
Mosul từng có hệ thống cơ sở y tế lớn thứ hai ở Iraq. Tuy nhiên, chiến tranh đã phá hoại phần lớn cơ sở y tế của thành phố, buộc người dân phải chật vật tìm nơi khám, chữa bệnh. Bác sĩ Sulav Al-Hamza, giám sát viên của MSF tại bệnh viện Nablus ở phía tây Mosul cho biết, nhiều sản phụ ở khu vực ngoại ô được đưa về bệnh viện Nablus để sinh con.
Thật không may, một số sản phụ qua đời trên đường tới bệnh viện Nablus trong khi họ chỉ cần được hỗ trợ thủ thuật hoặc xử lý bằng phương pháp điều trị đơn giản, chẳng hạn như truyền máu ở tuyến dưới.
Một thách thức không nhỏ với người dân Mosul đó là vết thương về tinh thần. Faris Jassim từng bị thương trong cuộc chiến giành lại Mosul từ tay IS và anh đã trải qua 25 lần phẫu thuật. “Tôi đã trải qua những khoảng thời gian rất tồi tệ sau khi bị thương.
Trong hai năm, tôi đã có ý định tự tử vì các cuộc phẫu thuật và điều trị dường như vô tận. Khi chân có dấu hiệu hồi phục, tôi lấy lại được hy vọng. Hôm nay, tôi có thể đi lại mà không cần xe lăn, đó là một bước tiến rất lớn”. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người bị rối loạn tâm lý sau chiến tranh đang có chiều hướng gia tăng. Một số người luôn bị ám ảnh bởi tiếng đạn pháo nổ đùng đoàng bên tai.
“Mọi thứ đang được cải thiện từng chút một. Những gì Mosul đã trải qua không hề đơn giản. Việc lấy lại cuộc sống như trước khi chiến tranh diễn ra cần rất nhiều thời gian, bởi không có giải pháp thần kỳ nào có thể giải quyết mọi thứ một cách nhanh chóng”, bác sĩ Sahir Dawood nhấn mạnh.
PHƯƠNG VŨ