Nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, trang mạng xã hội Facebook mới đây thông báo họ đang cung cấp dữ liệu ẩn danh về hoạt động đi lại cũng như mối quan hệ của người dùng nhằm giúp các chuyên gia có thể có thông tin chính xác hơn về việc liệu các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 có phát huy tác dụng cũng như cách thức virus SARS-CoV-2 có thể lây lan. Hãng công nghệ này cho biết sẽ dựa trên các công cụ thu thập thông tin chuyên sâu để phát triển các bản đồ về “dịch chuyển dân cư” mà vẫn bảo vệ được quyền riêng tư của người dân.

Những công cụ được Facebook sử dụng trong chương trình “Data for Good” bao gồm: Các bản đồ “đồng vị trí”, hiển thị khả năng những người ở khu vực này tiếp xúc với người ở khu vực khác; xu hướng phạm vi dịch chuyển cho thấy người dân có tuân thủ tốt yêu cầu ở nhà hay không và cuối cùng là chỉ số kết nối xã hội cho thấy mối quan hệ bạn bè trong nước hoặc cả ở nước ngoài của người dùng để các nhà dịch tễ học có thể dự đoán cách thức virus lây lan. 

Facebook giúp các chuyên gia có được thông tin hữu ích nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. 

Facebook cũng cho hiển thị các liên kết trong new feeds trên nền tảng của mạng xã hội, mời người dùng tham gia cuộc khảo sát của Trường Đại học Carnegie Mellon nhằm giúp giới chuyên gia theo dõi và dự báo sự lây lan của virus.

Không riêng mạng xã hội lớn nhất hành tinh, hồi tuần trước, Google cũng cho biết sẽ cung cấp một ảnh chụp nhanh dữ liệu vị trí của người dùng trên khắp thế giới để giúp các chính phủ đánh giá hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội, vốn đang được nhiều nước áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Thực tế, việc theo dõi hoạt động đi lại, gặp gỡ của người dân đã được chính phủ nhiều nước áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh và cần có những phương pháp giúp định vị các nguồn lây nhiễm và khoanh vùng những người có khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh. Bên cạnh các dữ liệu có được từ mạng xã hội, phương pháp định vị qua điện thoại cũng trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh. Tại Israel, cơ quan an ninh nội địa Shin Bet được phép theo dõi dữ liệu điện thoại của người nhiễm Covid-19, để xác định những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế Hàn Quốc thực hiện sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh thông qua trích xuất camera, định vị điện thoại và hồ sơ nhập cảnh. Trung Quốc giám sát các cá nhân với dữ liệu được cung cấp bởi các công ty viễn thông, văn phòng đường sắt và các hãng hàng không. Còn tại Singapore, bệnh nhân nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế theo dõi bằng ứng dụng chuyên dụng Trace Together.

Nhiều chính phủ châu Âu cũng cho phép sử dụng dữ liệu điện thoại thông minh để thu thập lịch sử di chuyển và tiếp xúc giữa các công dân. Thậm chí, Ủy ban châu Âu còn kêu gọi các đại gia viễn thông châu Âu, bao gồm Deutsche Telekom và Orange, chia sẻ dữ liệu di động của người dùng để giúp dự đoán sự lây lan của virus SARS-CoV-2 "vì lợi ích chung".

Trước lo ngại về tính bảo mật, hầu hết chính phủ các nước đều khẳng định dữ liệu di động bị ẩn thông tin nhận dạng và không thể xác định được. “EU khẳng định hoạt động này sẽ tôn trọng các quy tắc bảo mật của khối, trong đó có Quy định bảo vệ dữ liệu chung và luật riêng tư điện tử”, ông Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) cam kết trong hội nghị với giám đốc các nhà mạng viễn thông hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng dữ liệu ẩn danh vẫn có thể bị truy cập để xác định danh tính và theo dõi các cá nhân, sử dụng cho các mục đích khác thay vì ngăn dịch bệnh. “Chính phủ truy cập bất kỳ loại dữ liệu định vị nào, dù được ẩn danh hay không, luôn là một rủi ro đối với quyền riêng tư, mặc dù các quan chức y tế cần nó cho cuộc khủng hoảng”, Albert Gidari, Giám đốc tư vấn về quyền riêng tư tại trung tâm internet và xã hội của trường luật Stanford (Mỹ), nhận định. Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại rằng một khi xuất hiện, những chương trình và cơ chế theo dõi sẽ được duy trì ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc, ảnh hưởng tiêu cực tới tự do cá nhân. Nó giống như một cánh cửa đã mở ra thì rất khó đóng lại, tờ New York Times cảnh báo.

HÀ LAN