“Ivan Stepanovich Konev là người giống Georgy Zhukov nhất về tính kiên trì và sức mạnh ý chí. Konev có trực giác tốt, khéo léo trong việc kết hợp sức mạnh của pháo binh và không quân với tốc độ, sức mãnh liệt và tính bất ngờ của đòn đánh. Konev muốn đích thân thị sát tình hình chiến trận, chuẩn bị kỹ càng cho từng chiến dịch”, đó là lời nhận xét của Nguyên soái Alexander Vasilevsky về một trong những vị Thống soái giỏi nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). 

Chỉ huy Mặt trận Kalinin, Thượng tướng Ivan Konev (phải) và chỉ huy Tập đoàn quân số 31, Thiếu tướng Vitaly Polenov. Ảnh: Nikolai Novak/Sputnik 

Ivan Konev bắt đầu đường binh nghiệp từ khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khi đó, viên sĩ quan trẻ phục vụ trong binh chủng pháo binh. Sau đó, trong cuộc nội chiến Nga, ông chiến đấu trong hàng ngũ của Hồng quân chống lại “nhà cầm quyền tối cao nước Nga” Alexander Kolchak tại Siberia và quân can thiệp Nhật Bản tại vùng Viễn Đông. Chiến tranh kết thúc, ông quyết định ở lại phục vụ trong lực lượng vũ trang.

Khi bắt đầu nổ ra chiến tranh chống phát xít Đức, Trung tướng Ivan Konev là chỉ huy Tập đoàn quân số 19 đóng tại khu vực phía Tây Liên Xô. Quân của ông là một trong những binh sĩ đầu tiên hứng chịu cuộc tấn công dữ dội của Đức Quốc xã. Ngày 12-7-1941, Ivan Konev báo cáo về Ban tham mưu mặt trận: “...tôi không có nổi một binh đoàn sung sức và thiện chiến. Tôi đang giữ vững mặt trận là nhờ vào những đơn vị được tổ chức riêng lẻ. Trong 4 ngày tôi không được hỗ trợ từ không quân của chúng ta. Các binh sĩ đang ra sức chiến đấu chống lại bộ binh của kẻ địch”. 

Ngày 11-9-1941, Ivan Konev được phong làm chỉ huy Mặt trận phía Tây, chính điều này suýt nữa trở thành định mệnh trong cuộc đời ông. Đầu tháng 10-1941, quân của ông chịu thất bại thảm hại tại khu vực Vyazma: Hơn 380 nghìn binh sĩ thương vong, gần 600 nghìn bị bắt làm tù binh. Đường đến Moskva trên thực tế đã rộng mở với quân Đức. Khi đó, Ivan Konev đứng trước nguy cơ phải ra tòa án binh và bị xử bắn (người tiền nhiệm của ông ở vị trí này, Tướng Dmitry Pavlov, cũng bại trận và bị xử bắn ngày 22-7-1941). Tuy nhiên, nhờ có sự can thiệp cá nhân của Tướng Georgy Zhukov, nên Ivan Konev đã tránh được hậu quả nghiêm trọng và nhận quyền chỉ huy Mặt trận Kalinin. Ngày 5-12-1941, binh sĩ của ông là những người đầu tiên chuyển sang phản công quy mô lớn và đánh bật quân địch ra cách thủ đô Moskva 150 km.

Nguyên soái Liên Xô Ivan Konev. Ảnh: Yury Abramochkin/Sputnik 

Vyazma không phải là trận thất bại cuối cùng trong nghiệp cầm binh của vị tướng này. Các chiến dịch phản công Rzhev-Sychyovka, Zhizdrinsk và Staroruss, diễn ra cuối năm 1942 đầu năm 1943 dưới sự chỉ huy của Ivan Konev, đã không đạt được những mục tiêu đề ra và kết thúc bằng những tổn thất nặng nề cho quân đội Liên Xô.   

Từ trận quyết định diễn ra tại vòng cung Kursk vào mùa hè năm 1943, Ivan Konev mới bắt đầu liên tiếp có những thắng lợi rực rỡ. Sau khi Hồng quân Liên Xô đứng vững trước những đợt tấn công của quân Đức, các binh sĩ Phương diện quân Thảo nguyên ngày 17-7 đã chuyển sang tấn công, đẩy lùi quân địch về những thế trận ban đầu. Và, phát huy thành tích đạt được, quân của Konev đã giải phóng thành phố Belgorod và trung tâm công nghiệp lớn Kharkov. Cuối tháng 9-1943, họ đã vượt sông Dnepr, đánh chiếm những căn cứ quân sự trên hữu ngạn con sông này, đồng thời giữ vững và mở rộng thế trận trong những cuộc chiến đầy cam go.

Tài năng thống soái của Ivan Konev được bộc lộ hoàn toàn trong chiến dịch tiến công Korsun-Shevchenkovsky diễn ra vào tháng 1 và tháng 2-1944. Phối hợp với quân của Tướng Nikolai Vatutin, ông đã bao vây một cụm 59 nghìn quân địch tại miền Trung Ukraine. Mặc dù chạy thoát một phần khỏi vòng vây, nhưng trong “nồi hơi” này quân Đức chịu thương vong lên tới 40 nghìn người. “Tất cả như bị hòa vào dòng chảy. Mọi người đều bỏ chạy, và không ai biết được chạy về đâu và chạy để làm gì. Trên và ven các con đường, những chiếc xe, đại pháo và hàng trăm thi thể của binh lính chết trận nằm ngổn ngang”, một tù binh Đức nhớ lại. Với chiến công trong trận “Stalingrad trên sông Dnepr”, Ivan Konev đã được phong quân hàm Nguyên soái Liên Xô.

Trong chiến dịch Uman-Botoshany diễn ra vào mùa xuân năm 1944, Ivan Konev cũng cho thấy tài năng kiệt xuất của mình. Ông đã vận dụng thuần thục đòn tấn công ngay một lúc từ ba tập đoàn quân xe tăng, cũng như phản ứng tức thì với những thay đổi cục diện trên chiến trường, nhờ đó mà binh sĩ Mặt trận số 2 Ukraine dưới sự chỉ huy của ông đã đánh tan Tập đoàn quân số 8 của Đức, giải phóng một phần phía Tây Ukraine và Moldova. Tiến vào lãnh thổ Romania, họ trở thành những người lính đầu tiên của Hồng quân vượt qua biên giới Liên Xô. Bản thân Nguyên soái Ivan Konev khi đó cũng suýt hy sinh, do xe của ông bị máy bay tiêm kích của Đức tấn công khi đang vượt qua sông Nam Bug.

Từ tháng 5-1944 đến khi kết thúc chiến tranh, Ivan Konev chỉ huy Mặt trận số 1 Ukraine. Mùa hè năm 1944, binh sĩ mặt trận này đã tham gia đánh bại Cụm Tập đoàn quân “Bắc Ukraine” của Đức, còn vào mùa đông và xuân năm 1945 tham gia giải phóng Tây Ba Lan và đánh chiếm Khu công nghiệp Silesia có tầm quan trọng chiến lược. Ngoài ra, quân của Nguyên soái Ivan Konev đã tham gia cả chiến dịch Berlin. Tuy nhiên, nhiệm vụ tấn công sào huyệt kẻ địch khi đó được giao cho Mặt trận số 1 Belarus của Nguyên soái Georgy Zhukov.

Mặc dù Ivan Konev không phải là người trực tiếp đánh chiếm thủ đô của Đức Quốc xã, nhưng ông đã đi vào lịch sử bằng việc chỉ đạo chiến dịch cuối cùng mang tính chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức. Trong chiến dịch tiến công Praha (từ ngày 6 đến 11-5-1945), toàn bộ tàn quân của các Cụm Tập đoàn quân “Trung tâm” và “Phương Nam” đã bị đánh tan, gần 860 nghìn quân địch bị bắt làm tù binh và lãnh thổ Tiệp Khắc được hoàn toàn giải phóng. 

Trong cuốn hồi ký “Năm 1945” của mình, Nguyên soái Ivan Konev đã viết: “Khi tôi có mặt tại nghĩa trang Olsanske ở thủ đô Praha, nơi yên nghỉ những chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh trong chiến dịch Praha, tôi đau buồn đọc dòng chữ đề ngày “9 tháng Năm” được ghi trên những ngôi mộ đầy hoa. Thực ra chiến tranh đã kết thúc, nhưng những con người này đã hy sinh tại đây, ở ngoại ô Praha, khi khắp đất nước chúng ta đang ăn mừng chiến thắng. Họ đã ra đi trong những trận đánh cuối cùng với quân thù, gan dạ cho đến giây phút cuối cùng”.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)