Cuộc chiến do Liên Xô phát động tại Afghanistan kết thúc vào ngày 15-2-1989. Theo thỏa thuận Geneva, đến thời điểm đó Moskva phải rút toàn bộ binh lính ra khỏi nước này. Việc di chuyển lực lượng vũ trang đã diễn ra trong vòng 9 tháng. Mặc dù hầu hết binh sĩ đến hạn chót ấn định đã về nhà và thực tế không còn xảy ra chiến sự, nhưng trong những tuần cuối cùng, Liên Xô vẫn tiến hành một trong những cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào lực lượng Mujahideen. Chiến dịch này được gọi là “Bão táp” và là một trong những chiến dịch bị các cựu binh trong cuộc chiến này phản đối nhất.

Con đường rút quân “chui qua lỗ kim”

Con đường mà những binh sĩ còn lại của Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan trong những ngày cuối cùng chạy qua đèo Salang và dãy núi Hindu Kush. Thực chất, đây là tuyến đường được ví như đường ống dài 2,6km và chỉ rộng 6m. Việc đi trên con đường “chui qua lỗ kim” này là rất nguy hiểm. Đầu năm 1989, tình hình trở nên trầm trọng hơn khi các chiến binh Mujahideen được vũ trang đã chiếm giữ hầu hết toàn bộ con đường. Đây là lực lượng thuộc các đội quân của Ahmad Shah Massoud, chỉ huy chiến trường rất nổi tiếng và nắm giữ nhiều quyền lực ở miền Bắc Afghanistan.

Theo kế hoạch, các đoàn xe rời đi trong giai đoạn cuối quá trình rút quân phải di chuyển mà không được bảo vệ, điều này khiến cho lãnh đạo Liên Xô vô cùng lo sợ cho sự an toàn của họ.

“Nếu quân của Massoud bao vây đèo Salang, thì chúng tôi sẽ đối mặt với những vấn đề lớn. Trong khi đó, đội quân này cũng sẽ không hề dễ dàng, bởi vũ khí của chúng tôi mạnh hơn, chúng tôi có cả không quân và pháo binh”, Trung tướng Boris Gromov, Tư lệnh Tập đoàn quân số 40 của Lực lượng quân đội Liên Xô tại Afghanistan, kể lại khi trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Nga “Zvezda”.

Quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989. Ảnh: Igor Kurashov/RG 

Trong khi đó, các tướng lĩnh không có quan điểm thống nhất về việc làm thế nào để vô hiệu hóa mối đe dọa từ phía chỉ huy chiến trường Ahmad Shah Massoud. Một mặt, tất cả đều hiểu rõ rằng, sự bảo vệ tốt nhất đó là tấn công, vì vậy họ dự định tấn công phủ đầu vào đội quân của Massoud, khiến cho lực lượng này không thể hồi phục cho đến khi Liên Xô rút hết quân.

Mặt khác, trong giai đoạn cuối của quá trình rút quân, tất cả các bên đều cố gắng giảm thiểu tổn thất không đáng có. Trong khi để có thể tránh thương vong, thì chỉ còn cách ký kết thỏa thuận về việc di chuyển quân mà không bị cản trở. “Chúng tôi đã thỏa thuận về tính trung lập trong thời gian rút quân với Ahmad Shah Massoud, người khi đó đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Panjshir. Chúng tôi thực thi các điều khoản và ông ta cũng vậy. Không ai muốn chết cả, đặc biệt khi đã vào cuối cuộc chiến”, Tướng Boris Gromov kể lại.

Sự phản đối của các tướng lĩnh mặt trận

Cuối cùng, việc di chuyển quân trên đường núi thực tế đã diễn ra không đổ máu. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc phía Liên Xô thực hiện đầy đủ các điều khoản, thì Tướng Boris Gromov vẫn còn tỏ ra có chút lưỡng lự. Mặc dù đã thỏa thuận với Massoud, nhưng vẫn tiến hành chiến dịch “Bão táp” nhằm mục đích dọn sạch những khu vực tiếp giáp với tuyến đường, nơi tập trung quân phiến loạn.

Từ ngày 23 đến 26-1-1989, tại khu vực Baglan, Kunduz và Parvan, đã diễn ra những vụ ném bom gần như là rải thảm. Tham gia cuộc tấn công có hàng trăm khẩu pháo và súng cối, còn máy bay thì ném những quả bom có sức công phá tương đương 40 tấn thuốc nổ. Tên lửa chiến thuật cũng được sử dụng trong cuộc tấn công này. Trong vài ngày, tỉnh Panjshir đã bị các vụ tấn công hỏa lực san phẳng. Hàng chục bản làng bị phá hủy, hơn 1.000 dân thường thiệt mạng. Tổn thất của phía Liên Xô lúc đó được cho là chỉ vài binh sĩ.

Trong hồi ký của mình, chỉ huy Trung đoàn dù đổ bộ số 345 thuộc Sư đoàn không quân đổ bộ Cận vệ số 98, Valery Vostrotin cho rằng, Tướng Boris Gromov, cũng như những tướng lĩnh khác tại hiện trường đều phản đối chiến dịch. Tuy nhiên, quyết định tấn công vẫn được đưa ra từ cấp cao nhất.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt nhóm phiến quân của Ahmad Shah Massoud ngay trước khi rời đi. Nhưng điều này sẽ không chính đáng nếu đã có thỏa thuận. Chúng tôi biết lịch làm việc, vị trí trạm gác và nơi đóng quân ban đêm của họ. Và 30 phút trước khi họ ra khỏi nơi trú ẩn, tất cả các vị trí đã bị không kích và pháo kích dữ dội. Toàn bộ mục tiêu đã được đánh dấu trên bản đồ, và từng chỉ huy cứ thế mà thực hiện…”, chỉ huy Valery Vostrotin cho biết.

“Tôi đã viết thư mật mã cho Bộ trưởng Quốc phòng, trong đó kịch liệt phản đối chiến dịch này. Không nên tiến hành thêm một hành động quân sự nào nữa chống lại Ahmad Shah Massoud. Mùa đông, tất cả các đơn vị chiến đấu của Massoud đóng tại các bản làng cùng dân chúng. Chỉ tại các trạm gác dẫn đến đèo Salang mới có những lính gác và một số súng ống. Nhưng chiều muộn ngày 22-1, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitry Yazov đã gọi điện cho Tư lệnh Tập đoàn quân số 40 Boris Gromov và ra lệnh ngày 23-1 bắt đầu chiến dịch. Và chiến dịch như thế đã bắt đầu. Pháo phản lực phóng loạt Uragan, BM-21, pháo tự hành Giatsint, Buratino, hàng trăm khẩu đại bác và súng cối công kích vào những bản làng này, vào tất cả các vị trí. Chỉ trong vòng 3 ngày, các máy bay đã tiến hành 400 phi vụ”, Thượng tướng Mikhail Sotskov, Cố vấn quân sự Liên Xô tại Cộng hòa Afghanistan, kể lại.

Chiến dịch vì lợi ích của kẻ khác

Chỉ huy Valery Vostrotin công nhận rằng, giữa lực lượng của Ahmad Shah Massoud và quân đội Liên Xô hầu như không có mâu thuẫn gì. Tuy nhiên, Massoud lại là vấn đề thực sự đối với Tổng thống Afghanistan khi đó Mohammad Najibullah. Ông này nhiều lần khăng khăng đòi Moskva trước khi rút quân phải làm giảm tối đa tầm ảnh hưởng của chỉ huy chiến trường Massoud.

“Giới lãnh đạo Afghanistan lo ngại rằng, Ahmad Shah Massoud không chỉ mạnh hơn, mà còn có uy tín hơn trong nhân dân. Vì vậy, họ sẽ không được lợi gì nếu để lại nhóm quân của Massoud hùng mạnh, cùng với uy tín của ông ta tăng cao sau khi Liên Xô rút quân”, chỉ huy Trung đoàn dù đổ bộ số 345 Valery Vostrotin nhấn mạnh.

Quyết định về việc tiến hành chiến dịch “Bão táp” đã được chính quyền Liên Xô thông qua. Mục đích của chiến dịch chỉ đơn thuần là gây thiệt hại lớn nhất có thể cho lực lượng đối lập tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc của Afghanistan. Thực trạng này được các cựu binh trong cuộc chiến Afghanistan cảm nhận một cách đau đớn nhất.

“Khi quân đội Liên Xô rút đi năm 1989 đã có thỏa thuận rằng, chúng tôi sẽ không bắn vào quân của Massoud và quân của Massoud cũng không bắn vào các đoàn xe rời đi. Thế nhưng, giới lãnh đạo nước ta đã bị thuyết phục nhằm tấn công đòn cuối cùng vào tỉnh Panjshir, vì đây là địa bàn khó khăn nhất đối với Tổng thống Najibullah khi đó…”, Anh hùng Liên Xô, Tướng Ruslan Aushev nhớ lại.

Và điều quan trọng nhất là, chiến dịch này đã hoàn toàn không giúp thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan. Ngược lại, chỉ huy Ahmad Shah Massoud trong thư gửi Đại sứ Liên Xô tại Afghanistan Yuly Vorontsov với tuyên bố rằng, những hành động như vậy trong những ngày cuối cùng Liên Xô rút quân “đã hủy hoại tất cả sự lạc quan mới được hình thành”. Rõ ràng, sau khi quân đội Liên Xô rời khỏi Afghanistan, Tổng thống Mohammad Najibullah không còn nắm quyền thêm được bao lâu nữa. Sau khi ông từ chức, trong nước nổ ra cuộc nội chiến với mức độ còn khốc liệt hơn.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)