Nhiều năm qua, giá lúa gạo trồng ở Kenya tăng vọt vì giá phân bón cao hơn và hạn hán kéo dài ở vùng Sừng châu Phi làm giảm đáng kể sản lượng. Chính vì vậy, gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ trở thành "phao" nuôi sống nhiều người dân Kenya, trong đó có hàng trăm nghìn cư dân ở "khu ổ chuột" Kibera, những người chỉ có thu nhập bình quân chưa đầy 2USD mỗi ngày.

leftcenterrightdel

 Ông Francis Ndege, chủ một sạp gạo trong chợ Toi tại thủ đô Nairobi (Kenya). Ảnh: AP

Tuy nhiên, bỗng mọi thứ đảo lộn. Vào tháng trước, Ấn Độ-nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới-ban hành lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực ngay lập tức đối với mặt hàng gạo tẻ thường nhằm kiểm soát giá cả trong nước. Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, trong năm tài khóa 2022-2023, nước này xuất khẩu hơn 22 triệu tấn gạo trong tổng số 55 triệu tấn xuất khẩu của toàn cầu tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì thế, quyết định trên của New Delhi đã gây bất ngờ cho thị trường, đặc biệt là những khu vực nghèo và nhiều nước ở châu Phi bị tác động mạnh. Các nhà bán buôn Kenya vẫn chưa nhận được nguồn hàng mới từ quốc gia Nam Á, trong khi giá mỗi bao gạo 25kg tại nước này đã tăng 25% so với tháng 6. “Tôi thực sự hy vọng nguồn gạo nhập khẩu sẽ lại được đưa vào Kenya”, ông Ndege mong muốn.

Thậm chí, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo ra “hiệu ứng domino”, khiến nhiều nước nối gót. Đến nay, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga đã tuyên bố áp đặt tạm thời lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo. Dẫu vậy, không phải đến khi một số nước kích hoạt chính sách bảo hộ để bảo đảm dự trữ lương thực thì thị trường gạo toàn cầu mới bấp bênh như hiện nay.

Nhiều quốc gia trước đó cũng tăng tốc dự trữ gạo với dự đoán về sự khan hiếm mặt hàng này do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cụ thể, mưa lũ tại Ấn Độ và Pakistan đã nhấn chìm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, phá hủy nghiêm trọng mùa màng. Cùng lúc, El Nino xuất hiện lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây ra khô hạn tại khu vực Đông Nam Á, vốn được coi là vựa lúa của thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính El Nino sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này. Thái Lan-nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu-còn kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước. Thêm vào đó, việc hạn chế nguồn cung lúa mì và ngô trên toàn cầu liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cũng làm tăng nhu cầu về gạo như một loại lương thực thay thế.

Những yếu tố trên vô hình trung đã góp phần đẩy giá gạo thiết lập kỷ lục mới. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá gạo toàn cầu tháng 7 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong gần 12 năm qua. Giáo sư Peter Timmer tại Đại học Harvard (Mỹ) nhận định, giá gạo có thể tăng hơn nữa và đưa ra hai kịch bản. Một là giá tăng từ từ để người tiêu dùng ứng phó một cách bình tĩnh và hai là giá sớm tăng “phi mã” lên 1.000USD/tấn hoặc cao hơn, tương tự như cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

Gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bữa ăn của hàng tỷ người dân trên thế giới, nhất là tại các nước châu Á và châu Phi. Đợt tăng giá mới nhất đối với loại ngũ cốc này đang làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những hộ gia đình nghèo ở các quốc gia tiêu thụ gạo lớn lại càng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc giá như vậy, do tỷ trọng thực phẩm ngày một lớn hơn trong giỏ hàng tiêu dùng. An ninh lương thực toàn cầu một lần nữa rơi vào thời điểm thử thách cao độ.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.