Mới đây Nhật Bản đã lên một danh sách các công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài. Theo đó, 518 doanh nghiệp, trong tổng số 3.800 doanh nghiệp của nước này bắt buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn về đầu tư nước ngoài. Đây là những doanh nghiệp được coi là trọng yếu đối với an ninh quốc gia, hoạt động trong 12 lĩnh vực, bao gồm dầu mỏ, đường sắt, tiện ích, vũ khí, không gian, năng lượng hạt nhân, hàng không, viễn thông và an ninh mạng… Các công ty này đều đang niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng trị giá 5,4 nghìn tỷ USD. Trong số này tất nhiên không thể thiếu những thương hiệu lớn như Toyota, Sony… đang niêm yết trên các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. 

Theo đó, thay vì 10% như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần mua từ 1% cổ phần trở lên tại các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc 12 lĩnh vực quy định đã phải chịu sàng lọc về nguyên tắc mới được phép sở hữu cổ phần. Quy định mới này trong Luật Đầu tư sửa đổi được cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công ty nước ngoài đối với những ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó có quốc phòng, cũng như ngăn chặn nguy cơ rò rỉ thông tin mật và những ngành công nghệ chính bị “chảy máu”. 

Truyền thông Đức từng đưa tin về khả năng hãng ô tô nổi tiếng Daimler AG của nước này rơi vào tay các cổ đông ngoài EU. Ảnh: quora.com. 

Trước Nhật Bản, Australia, Đức, Ấn Độ cùng một số quốc gia khác, cũng đã có các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm ở thời điểm những doanh nghiệp này đang lao đao vì các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Cũng giống Nhật Bản, Đức sẽ áp dụng thêm một số biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử… phải khai báo tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên. Các doanh nghiệp này sẽ phải chịu sự thẩm tra của chính quyền đối với các thương vụ mua bán như vậy. Trước đây, Chính phủ Đức chỉ yêu cầu thẩm tra hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực như năng lượng, nước, điện tín và quốc phòng, nhất là những hành vi mua bán, sáp nhập đã gây ra “nguy hiểm thực tế”. Chính phủ Đức nêu rõ mục đích của việc siết chặt chính sách mua bán và sáp nhập (M&A) là nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước hành vi “thâu tóm gây hại” bởi các nhà đầu tư ngoài châu Âu. Đây là hành vi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp từ một nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) có thể gây hại tới hệ thống công cộng hoặc an ninh. 

Việc các quốc gia siết chặt hơn hoạt động kiểm soát đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách M&A trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, kể cả khi chưa xảy ra đại dịch, nhiều nước cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực trọng yếu nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Còn hiện nay, trong thời kỳ khủng hoảng, hầu hết các doanh nghiệp, thậm chí cả những “gã khổng lồ” đều đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm, sự đề phòng không bao giờ là thừa. Không chỉ các đối thủ trên thương trường nhòm ngó, những hành vi thâu tóm mang động cơ chính trị cũng không phải là hiếm. 

Trong khi đang cạn vốn, giá cổ phiếu lại lao dốc và định giá doanh nghiệp cũng giảm mạnh, các doanh nghiệp bị tổn thương vì đại dịch Covid-19 có thể trở thành “miếng mồi ngon”. Nhất là khi các nước đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế và gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, sẽ là cơ hội cho các thương vụ M&A bùng nổ trở lại. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có thời điểm thương vụ M&A lớn bị cản trở vì hầu hết các nước đều phải đóng cửa các khu vực kinh tế quan trọng. Theo thống kê, hoạt động mua bán, sáp nhập toàn cầu từ đầu năm tới nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng các giao dịch cũng giảm 20% so với mức hằng năm. Nhưng đây được đánh giá sẽ chỉ là trạng thái tạm thời trong khi các bên đang chờ đánh giá tác động của đại dịch. Các nhà giao dịch cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp cần giải cứu, các công ty tái cấu trúc và có khả năng quốc hữu hóa khi chính phủ và ngân hàng trung ương nỗ lực khắc phục hậu quả kinh tế bởi đại dịch. 

Mặc dù ở một góc độ nào đó, công ty bị thâu tóm có thể được “giải cứu” trước nguy cơ sụp đổ trong cơn khủng hoảng nhưng không vì thế mà các nước bỏ qua những thách thức an ninh quốc gia vốn là điều không thể nào đánh đổi.

HẠNH NGUYÊN