QĐND - Trước những hành động bạo lực có chiều hướng gia tăng tại Đông Giê-ru-xa-lem và khu Bờ Tây giữa người Pa-le-xtin và I-xra-en, Liên hợp quốc, Mỹ và các tổ chức trong khu vực hôm 14-10 đã lên tiếng hối thúc mạnh mẽ các bên kiềm chế nhằm tránh đẩy khu vực Thánh địa này vào một cuộc chiến tương tàn mới. Trong khi đó, không có tiếng nói chung hay cùng hành động nhằm xoa dịu tình hình mỗi khi bùng phát căng thẳng, các nhà lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin lại cáo buộc lẫn nhau.

Trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực leo thang, I-xra-en đã áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với người Pa-le-xtin ở Đông Giê-ru-xa-lem và khu Bờ Tây. Ngày 14-10, nhà chức trách I-xra-en đã thiết lập hàng loạt hàng rào chắn ở các khu phố của người Pa-le-xtin ở Đông Giê-ru-xa-lem và điều động 6 đại đội gồm hơn 1.000 lính chiến đấu tới khu vực này nhằm củng cố sức mạnh cho lực lượng cảnh sát.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng I-xra-en ngày 14-10 nêu rõ, ngoài các biện pháp chống khủng bố, cho phép cảnh sát phong tỏa hoặc áp đặt lệnh giới nghiêm tại Giê-ru-xa-lem trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc kích động bạo lực, nội các I-xra-en cũng quyết định tước quyền cư trú dài hạn, tịch thu tài sản và phá hủy nhà cửa của những kẻ tấn công người Pa-le-xtin.

Cảnh sát I-xra-en thiết lập rào chắn ở các khu phố của người Pa-le-xtin ở Đông Giê-ru-xa-lem hôm 14-10. Ảnh: AP

Một loạt biện pháp an ninh trấn áp mạnh tay người Pa-le-xtin của I-xra-en đưa ra trong bối cảnh các vụ tấn công bằng dao và súng xảy ra liên tiếp từ nhiều ngày qua khiến hàng chục người thương vong. Tính từ đầu tháng đến nay, đã có hơn 20 vụ tấn công bằng dao xảy ra ở I-xra-en, Giê-ru-xa-lem và Bờ Tây, khiến ít nhất 7 người I-xra-en và 30 người Pa-le-xtin thiệt mạng. Trong vụ mới nhất, một người Pa-le-xtin đã dùng dao đâm một phụ nữ Do Thái tại một trạm xe bus gần lối vào Giê-ru-xa-lem trước khi bị cảnh sát bắn chết. Hai giờ trước đó, một người Pa-le-xtin khác cũng bị bắn hạ khi tìm cách tấn công cảnh sát bán quân sự I-xra-en.

Trước những động thái từ phía I-xra-en, chính quyền Pa-le-xtin ngày 14-10 cảnh báo các biện pháp an ninh mà I-xra-en đang thực thi tại Giê-ru-xa-lem có thể dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng hơn. Trong một thông cáo báo chí, chính quyền Pa-le-xtin lên án I-xra-en đã gây ảnh hưởng đến người Pa-le-xtin sống tại Giê-ru-xa-lem và làm đảo lộn cuộc sống của họ, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp của I-xra-en vi phạm luật pháp quốc tế về quy chế của các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin bị chiếm đóng, trong đó có Giê-ru-xa-lem.

Cùng ngày, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) tuyên bố ủng hộ "đấu tranh hòa bình" chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en. Đây là phát biểu đầu tiên của ông Áp-bát kể từ khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa Pa-le-xtin và I-xra-en trong suốt hai tuần qua.

Phát biểu trên truyền hình vệ tinh chính thức của Pa-le-xtin, Tổng thống Áp-bát nhấn mạnh quyền của người dân Pa-le-xtin "được bảo vệ chính mình" và "theo đuổi cuộc đấu tranh của dân tộc". Ông cũng cáo buộc I-xra-en leo thang các hành động bạo lực, đồng thời cho rằng các chính sách của I-xra-en "đang đe dọa đến tiến trình hòa bình và sự ổn định của khu vực". Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát đồng thời cảnh báo hành động của Ten A-víp đang châm ngòi cho một cuộc xung đột tôn giáo mới giữa người Do Thái và người A-rập.

Đáp lại, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu (Netanyahu) cũng lên tiếng cáo buộc Tổng thống M.Áp-bát đã truyền bá những lời nói kích động bạo lực người dân chống phá chính quyền Ten A-víp, đồng thời tuyên bố tiếp tục tiêu diệt tận gốc “khủng bố Pa-le-xtin”.

Trong bối cảnh mối bất hòa âm ỉ lâu nay giữa I-xra-en và Pa-le-xtin bùng phát thành bạo lực, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do tôn giáo cũng như việc các tín đồ tiếp cận các khu thánh địa, đồng thời khẳng định leo thang căng thẳng một lần nữa cho thấy sự cần thiết các bên phải nỗ lực để cứu vãn nền hòa bình ở Trung Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14-10 cũng cảnh báo bạo lực leo thang và hoạt động xây nhà định cư đang ảnh hưởng đến triển vọng về giải pháp chính trị hai nhà nước trong tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Giôn Ke-ri (John Kerry) thông báo kế hoạch công du Trung Đông trong thời gian tới nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Giôn Cơ-bi (John Kirby) nhấn mạnh, ông Ke-ri bày tỏ quan ngại trước những vụ tấn công gần đây cũng như các kế hoạch xây nhà định cư. Theo nhận định của ông Ke-ri, việc gia tăng hoạt động xây khu định cư trong năm qua đã dẫn tới sự bùng phát bạo lực hiện nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nhà ngoại giao Mỹ quy trách nhiệm cho các bên liên quan về tình trạng bạo lực leo thang hiện nay. Theo Ngoại trưởng Ke-ri, cả Pa-le-xtin và I-xra-en đều đang đối mặt với không ít thách thức khi tiến trình thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước không đạt được tiến triển. Ông hy vọng I-xra-en và Pa-le-xtin có những động thái tích cực cả về phát ngôn và hành động nhằm hạ nhiệt căng thẳng, qua đó thúc đẩy hòa đàm.

Mâu thuẫn và xung đột thâm căn cố đế giữa Pa-le-xtin với I-xra-en vốn đã là trung tâm cuộc xung đột Trung Đông từ hơn sáu thập niên qua. Các nỗ lực quốc tế, với thế lực bảo trợ hàng đầu là Mỹ, đã dốc nhiều công sức suốt thời gian qua mong giải tỏa được cuộc xung đột mang đậm tính chất đối đầu dân tộc và tôn giáo giữa Pa-le-xtin và I-xra-en nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào. Sắp tới đây, “bộ tứ quốc tế” (gồm Mỹ, Nga, LHQ và EU) bảo trợ “giải pháp hai nhà nước” giữa Pa-le-xtin với I-xra-en sẽ tái hội tụ để gặp các lãnh tụ Pa-le-xtin và I-xra-en nhằm tác động làm dịu cuộc xung đột đẫm máu đang bùng phát hiện nay. Liên đoàn A-rập cũng quyết định họp bất thường cấp ngoại trưởng. Nhưng theo các nhà phân tích, thật khó hy vọng gì nhiều ở một số nỗ lực như thế, khi đôi bên trong cuộc chẳng bên nào chịu nhường bên nào.

NGỌC HÀ