QĐND - Nhờ đôi bàn tay diệu kỳ, tấm lòng được ví như ánh sáng ban ngày, Tiến sĩ, bác sĩ nhãn khoa Xan-đúc Ru-ít (Sanduk Ruit), người Nê-pan, trong 30 năm qua đã "mang" ánh sáng tới cho gần 120.000 người mù ở những vùng quê nghèo khắp châu Á và châu Phi.
Gặp bác sĩ Ru-ít, người mù có cơ hội đổi đời
Không thể kể hết tình cảm, sự khâm phục của những người dân, chủ yếu là dân nghèo ở các vùng quê, vùng nông thôn hẻo lánh ở Nê-pan, Triều Tiên, Trung Quốc, U-gan-đa, Tan-da-ni-a… dành cho vị bác sĩ nhãn khoa được gọi với cái tên thân mật - Bác sĩ của người nghèo. Những người được ông chữa khỏi bệnh thì gọi ông là “ông tiên”; người thì gọi là “thần y”, hàng nghìn người coi ông như ân nhân, bởi ông chính là người giúp họ thấy lại ánh sáng, tìm lại cơ hội để tự lập, tự vươn lên trong cuộc sống. Nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng của vị bác sĩ này đã được kể khắp những vùng quê nghèo, nơi ông đã đi qua.
 |
Bác sĩ Ru-ít kiểm tra mắt cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: CNN
|
Là người cả đời gắn bó với nhãn khoa, bác sĩ Ru-ít cho biết, các bệnh nhân về mắt của ông hầu hết đều có thể phòng, chống bệnh được. Tuy nhiên, cái nghèo và dịch vụ y tế yếu kém ở các quốc gia nghèo đã khiến họ phải sống trong cảnh mù lòa, dễ trở thành gánh nặng đối với cả gia đình. Và, nếu là một người mù ở những nước nghèo theo lẽ thường sẽ chẳng có hy vọng gì nhìn thấy ánh sáng. Với suy nghĩ như vậy, ông đã đi biết bao làng, bản, những khu vực xa xôi, hẻo lánh suốt 30 năm qua để chữa mắt, đem lại ánh sáng, cơ hội mới cho người nghèo. “Phải có cách phẫu thuật nhanh, hiệu quả, rẻ mới có thể giúp những người mù ở những vùng quê nghèo tìm lại sự độc lập, tự chủ và thay đổi cuộc đời”, bác sĩ Ru-ít chia sẻ.
Còn một lý do ít người biết vì sao vị bác sĩ Ru-ít sinh năm 1954 này quyết tâm chữa bệnh cho người nghèo, đó là câu chuyện quá khứ của gia đình ông. Ông sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở dãy Hi-ma-lai-a, một vùng hoang vu đến mức ngôi trường gần nhất cách đó một tuần đi bộ và vào năm 16 tuổi, Ru-ít đã đau xé ruột gan khi nghe tin cô em gái tử vong bởi bệnh lao, đó là thời điểm Ru-ít quyết tâm trở thành bác sĩ để giúp đỡ người nghèo.
Đôi mắt sáng - sự khác biệt trong cuộc đời
Qua đôi bàn tay tài hoa của bác sĩ Ru-ít, nhiều cuộc đời khốn khổ ở vùng nông thôn nhiều nước châu Á, châu Phi đã thay đổi hoàn toàn. Vậy mà ông không muốn nói về những con số, không muốn nói về việc mình làm. Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với CNN, kênh truyền hình của Mỹ, ông cho biết, ông như có chung niềm vui sau mỗi ca phẫu thuật thành công, có chung niềm vui với những người nghèo khi họ thấy lại ánh sáng, tìm thấy cơ hội mới trong cuộc sống khó khăn này. “Tôi rất biết ơn cuộc sống vì tôi có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời của rất nhiều người. Cảnh tượng một bệnh nhân tìm lại ánh sáng như tiếp thêm sức sống cho bạn và giúp bạn tiếp tục tiến về phía trước một cách mạnh mẽ hơn”, bác sĩ Ru-ít nói.
Không chỉ chữa mắt cho bệnh nhân nghèo suốt 30 năm qua, bác sĩ Ru-ít còn đi khắp nơi, truyền thụ kiến thức, hướng dẫn cách phẫu thuật nhanh cho các bác sĩ chuyên khoa mắt ở nhiều nước, chủ yếu là những nước, khu vực còn nghèo. Điều đáng quý nhất ở bác sĩ Ru-ít là ông chưa bao giờ chữa bệnh hay truyền thụ kỹ năng vì tiền. Bác sĩ Ru-ít chia sẻ, ông muốn tạo ra tiền lệ tốt, hình ảnh đẹp đẽ về người bác sĩ, đồng thời mong muốn có thêm nhiều bác sĩ có cái tâm vì người nghèo. Bác sĩ Ru-ít nhấn mạnh: “Tôi có một niềm tin rằng người nghèo, đặc biệt là người mù trên thế giới, xứng đáng được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe thị giác chất lượng cao như tất cả mọi người khác. Chính vì thế, tôi quyết tâm thực hiện sứ mệnh xóa sạch bệnh mù có thể chữa trị và ngăn chặn”.
Sau mỗi chuyến đi, ông lại có thêm rất nhiều kỷ niệm xúc động. “Tôi không thể quên được hình ảnh bà Kim Chun Son, một người dân ở Triều Tiên, bật khóc khi được cởi băng mắt. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cụ ông Han Mong Guk, 80 tuổi, người Triều Tiên, đã ôm chầm lấy con mình như thế nào sau khi được nhìn thấy lại ánh sáng sau 10 năm”, bác sĩ Ru-ít chia sẻ.
“Một trong những bác sĩ nhãn khoa quan trọng nhất trên thế giới”
Kể về ông, Gang Suk Yong, bác sĩ trẻ ở Triều Tiên mô tả: Đôi tay thần kỳ của bác sĩ Ru-ít nhẹ nhàng, chính xác lướt nhẹ dao phẫu thuật, rạch một vết nhỏ trên mắt bệnh nhân, thủy tinh thể bị đục đã được thay bằng một loại mắt kính nhân tạo tốt và rẻ tiền. Trong 5 phút, sự điêu luyện của bác sĩ Ru-ít đã giúp người bệnh tìm lại được ánh sáng. Còn phóng viên ảnh người Ô-xtrây-li-a M.A-men-đô-li-a (Michael Amendolia), người đã đi cùng bác sĩ Ru-ít và các đồng nghiệp của ông trong các chuyến đi chữa trị kể từ thập niên 1990, và chụp được rất nhiều ảnh ghi lại những giọt nước mắt hạnh phúc, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy một ca phẫu thuật nào của bác sĩ Ru-ít mà có nhiều bác sĩ khác vây quanh để học hỏi đến vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy nhiều người bệnh ngưỡng mộ bác sĩ của mình đến thế”.
Không chỉ người bệnh, những đồng nghiệp trong ngành nhãn khoa toàn thế giới cũng bày tỏ sự kính trọng đối với bác sĩ Ru-ít - người khởi xướng kỹ thuật vi phẫu chữa đục thủy tinh thể với chi phí chỉ có 25 đô-la Mỹ. Trước kia đã từng có những hoài nghi về phương pháp này cho tới khi Tạp chí Nhãn khoa của Mỹ công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật của bác sĩ Ru-ít rất chính xác (98% ca thành công sau 6 tháng phẫu thuật), tương đương với kết quả phẫu thuật bằng máy ở châu Âu. “Các kết quả thật đáng kinh ngạc”, bác sĩ G.Ta-blin (Geoffrey Tabin), chuyên gia về mắt tại Trung tâm nhãn khoa Mo-ran (Moran) của Đại học U-ta (Utah, Mỹ), nói. Ông cho biết, những người bệnh được phẫu thuật theo cách này cũng thu được kết quả tốt y như những người bệnh của ông tại thành phố Xôn Lếch (Salt Lake) ở tiểu bang U-ta, Mỹ. Hiện phương pháp này, còn gọi là “phương pháp ông Nê-pan”, đang được giảng dạy tại các trường y Hoa Kỳ.
Chỉ với chiếc kính hiển vi bình thường, Ru-ít bắt đầu thực hiện nhiều ca phẫu thuật thành công khi thay thấu kính nhựa được tặng từ các nhà hảo tâm nước ngoài. Và điều đáng khâm phục hơn nữa là không chỉ giỏi trong phẫu thuật, ông cùng các cộng sự còn tự sản xuất thủy tinh thể với giá 3 đô-la Mỹ cho 1 thấu kính, so với giá 200 đô-la Mỹ tại các nước phát triển. Và chất lượng của thủy tinh thể tốt đến mức nó đã được xuất khẩu sang 50 quốc gia, cả ở châu Âu.
Cách đây hai năm, một cuộc “thi tài” từng được tổ chức tại Nê-pan với 108 bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm - một nhóm được phẫu thuật bởi Ru-ít và nhóm kia được tiến hành bởi bác sĩ D.F.Chang (David F.Chang)-Giáo sư Đại học Ca-li-phoóc-ni-a Xan Phran-xít-xcô), người được đánh giá là một trong những chuyên gia phẫu thuật mắt hàng đầu thế giới. Trong khi bác sĩ Chang được trang bị bằng thiết bị siêu âm hiện đại trị giá 100.000USD, bác sĩ Ru-ít dùng thiết bị rẻ hơn 1/6 lần và hoàn thành các ca phẫu thuật với thời gian ít hơn 1/2. Điều này đã gây ấn tượng cho bác sĩ Chang-Cựu chủ tịch của Hiệp hội Phẫu thuật đục thủy tinh thể và khúc xạ Mỹ: “Bác sĩ Ru-ít là một trong những bác sĩ nhãn khoa quan trọng nhất trên thế giới”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 246 triệu người thị lực đang bị suy giảm; khoảng 39 triệu người bị mù, trong đó khoảng 50% là do đục thủy tinh thể và 90% trong số này có thu nhập thấp.
HOA HUYỀN