Nhiều đồng chí đã theo học và tu nghiệp tại học viện, nhà trường Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người trong số họ đã trở thành cán bộ chủ chốt ở cấp trung ương - địa phương và có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Lào. Đây là sự đóng góp to lớn của Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Quân đội nhân dân Lào.   

Về vấn đề này, học viên báo chí Quân sự Lào đang học tập tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Vongxay Inthakham, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam.

leftcenterrightdel

Đại tá Vongxay Inthakham, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam. 

PV: Đồng chí có thể cho biết khái quát về hợp tác đào tạo học viên quân sự Lào tại Việt Nam thời gian qua?

Đại tá Vongxay Inthakham: Về công tác quản lý, xây dựng học viên Quân đội nhân dân Lào tại Việt Nam, phía Việt Nam rất quan tâm đến công tác quản lý, hỗ trợ ăn ở, sinh hoạt của các cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Lào sang học tập, huấn luyện. Bộ Quốc phòng Lào đã phối hợp với Ban quản lý phía Việt Nam theo dõi việc giáo dục, thực hiện các yêu cầu, nội quy, hoạt động của học viên quân sự Lào đang theo học. Phía Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện để học viên quân sự Lào được tiếp cận giáo dục chất lượng và đạt kết quả cao.

PV: Vậy trong đó phương pháp quản lý và đào tạo học viên quân sự Lào tại Việt Nam được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vongxay Inthakham: Phòng tùy viên đã chỉ định Ban quản lý học viên quân sự Lào tại mỗi cơ sở giáo dục làm cầu nối phối hợp với các học viện, nhà trường Việt Nam trong công tác quản lý học viên Lào.

Đồng thời, tùy viên Quốc phòng Lào đã đề xuất với Ban quản lý học viên của học viện, nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam tạo điều kiện cho các nhóm học viên quân sự Lào ở các cơ sở khác nhau được đến Đại sứ quán sinh hoạt và trao đổi về tình hình quản lý học viên Lào tại Việt Nam.

PV: Thưa đồng chí, Tùy viên quốc phòng Lào đã có những hoạt động gì đồng hành cùng với học viên Lào?

 Đại tá Vongxay Inthakham: Hiện nay học viên quân sự Lào du học tại Việt Nam chiếm số lượng lớn. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như: Thực hiện chính sách nghỉ phép hằng năm, nghỉ Tết cổ truyền của Việt Nam… đã được quy định. Ngoài ra, trong trường hợp gia đình học viên có việc riêng, chúng tôi đều kiến nghị với Ban quản lý học viên phía Việt Nam tạo điều kiện và cho phép học viên Lào về nước. Những chính sách này nhằm khuyến khích các em học viên Lào có thái độ thân thiện, tập trung vào việc học.

Ngoài ra, vào những ngày lễ quan trọng như: Quốc khánh, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào, Tết truyền thống Lào, phòng Tùy viên Quốc phòng đã gặp gỡ, trao đổi với các học viên chú ý đến việc học tập và thực hiện các yêu cầu, nội quy của học viện, nhà trường Việt Nam; lắng nghe những ý kiến đóng góp của học viên và đã đến thăm các cơ sở giáo dục Việt Nam có học viên quân sự Lào theo học.

PV: Theo đồng chí, chất lượng học tập của các học viên quân sự Lào tại Việt Nam như thế nào?

Đại tá Vongxay Inthakham: Về đào tạo sĩ quan quân đội Lào tại các học viện, nhà trường Việt Nam, thời gian qua, tôi nhận thấy phía Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phương pháp truyền thụ kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy hay dành cho các học viên Lào. Ở phía chúng tôi, Quân đội nhân dân Lào đã lựa chọn những học viên có trình độ và có đủ điều kiện để theo học tại từng học viện, nhà trường Việt Nam theo đúng nhu cầu của Quân đội nhân dân Lào. Vì vậy, việc đào tạo học viên Lào ở các học viện, nhà trường Việt Nam thời gian qua được đánh giá cao; có nhiều đồng chí đã đạt mục tiêu và đảm bảo chất lượng.

leftcenterrightdel
Đại tá Vongxay Inthakham trả lời phỏng vấn sinh viên báo chí Quân sự Lào đang theo học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

Mặc dù có nhiều học viên chưa biết tiếng Việt, nhưng sau khi sang Việt Nam theo học, các học viên đã chú ý học tập, rèn luyện để hoàn thiện kỹ năng. Nhìn chung, các học viên Lào được đánh giá cao; chủ động trong công tác học tập, huấn luyện. Có nhiều đồng chí đã tốt nghiệp loại giỏi; khi về đơn vị đã vận dụng những bài học, kinh nghiệm sau thời gian học tập tại Việt Nam để áp dụng trong công tác chuyên môn. 

PV: Đồng chí có thể đánh giá mối quan hệ ngoại giao Lào-Việt, trong lĩnh vực đào tạo học viên quân sự?

Đại tá Vongxay Inthakham: Quan hệ giữa Lào và Việt Nam trên lĩnh vực đào tạo học viên quân sự đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang giúp đỡ Quân đội nhân dân Lào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan chính quy, tinh nhuệ thông qua quan hệ sâu sắc giữa 2 Đảng, Nhà nước, Quân đội. Các học viên Lào sang theo học tại Việt Nam đều được tạo điều kiện ở mức cao nhất có thể.

Trung bình mỗi năm, có khoảng 1.000 học viên Lào theo học các khóa ngắn hạn và khoảng 400-500 học viên theo học các chương trình dài hạn. Đây là sự giúp đỡ đáng quý và chưa từng có tiền lệ đối với Quân đội nhân dân Lào. Phía Việt Nam luôn chia sẻ, nỗ lực tạo điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên quân sự Lào trong sinh hoạt và học tập. Thậm chí, học viên Lào còn được ưu đãi hơn cả học viên Việt Nam.

Điều này chứng minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Lào và Việt Nam đều có mối quan hệ thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực công tác, trong đó có lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

PV: Đồng chí có nhắn nhủ, động viên gì với toàn thể học viên quân sự Lào đang học tập tại Việt Nam?

Đại tá Vongxay Inthakham: Tôi xin chúc các bạn học viên quân sự Lào đang học tập tại Việt Nam tiếp tục nâng cao tư tưởng, hiểu rõ nhiệm vụ của mình, có ý thức trách nhiệm với tổ chức, đồng thời thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nội quy của học viện, nhà trường đang theo học. Các đồng chí hãy tích cực học tập, rèn luyện chăm chỉ để hoàn thiện bản thân, kiên trì khắc phục khó khăn để đạt được mục tiêu của bản thân. Đồng thời cần hỗ trợ lẫn nhau trong cả công việc chung và đời sống riêng, cũng như tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết với đồng chí, đồng đội Việt Nam như câu nói: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bài, ảnh: SỔM PHON - PHAY LIN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.