Tháng 3-2025, tôi (Thiếu tá Lê Thị Phương Dung), trợ lý Phòng Khoa học quân sự, Học viện Hậu cần nhận Quyết định thực hiện nhiệm vụ Quan sát viên quân sự tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Trong điều kiện công tác nhiều khó khăn, phức tạp do địa bàn gánh chịu hậu quả mâu thuẫn sắc tộc, thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần cống hiến, quyết tâm cao, Thiếu tá Lê Thị Phương Dung luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên hành trình tuần tra của mình, Thiếu tá Lê Thị Phương Dung đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị:

Đó là một buổi sáng giữa tháng 4-2025, khi tiết trời Abyei đã chớm vào mùa mưa, một cơn mưa bất chợt đổ xuống hối hả. Thường thì mùa mưa tại đây sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5 với những cơn mưa nhẹ hạt báo hiệu khoảnh khắc giao mùa. Năm nay mùa mưa tại Abyei đến sớm. Khoác trên mình bộ áo giáp, mũ sắt và đầy đủ các trang bị, phương tiện thông tin liên lạc phục vụ cho buổi tuần tra, các thành viên Trạm quan sát viên quân sự Banton quây quần bên nhau.

 Thiếu tá Lê Thị Phương Dung thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA. Ảnh: XUÂN NAM

Tôi được phát một quyển sổ ghi chép có phần hơi cũ, có những trang giấy còn sót lại dấu vết của bùn đất, báo hiệu một hành trình gian nan, thử thách. Cả nhóm lắng nghe đồng chí Trạm trưởng kiểm tra điện đàm, thông liên lạc với Sở chỉ huy Phái bộ, phương tiện hành quân và phổ biến tuyến đường tuần tra, giao nhiệm vụ cho từng người; hiệp đồng biện pháp xử trí những tình huống có thể xảy ra trong quá trình hành quân. Động tác rất chuyên nghiệp và bài bản của Trạm trưởng làm tôi giảm bớt sự lo lắng phần nào trước buổi tuần tra đầu tiên của mình. Tôi chăm chú ghi chép lại tất cả những gì Trạm trưởng thực hiện, bởi theo thông lệ, chúng tôi sẽ luân phiên nhau đảm nhiệm cương vị Trạm trưởng Trạm quan sát viên quân sự.

Nhiệm vụ của tôi trong buổi tuần tra hôm nay là tổng hợp thông tin và viết báo cáo sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Là thành viên nữ, lại là buổi tuần tra đầu tiên, các đồng chí trong trạm quan sát viên quân sự rất quan tâm, ân cần dặn dò và động viên tôi. Một thành viên nữ trong đoàn đã đưa tôi một cái kẹo và căn dặn “Keep this, Dung; it could come in handy later” (Hãy cầm lấy đi Dung, nó sẽ giúp ích cho bạn đó). 

Thiếu tá Lê Thị Phương Dung (thứ 2 từ trái sang phải) thảo luận cùng các đồng nghiệp trước khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Ảnh: XUÂN NAM

Chiếc xe Nissan Patrol bắt đầu lăn bánh tại căn cứ Trạm quan sát viên quân sự Banton. Chặng đường hành quân sáng nay khá xa, dự kiến sẽ đi qua nhiều tuyến đường, khu vực mà Chỉ huy Phái bộ yêu cầu tìm hiểu, xác thực thông tin về phản ánh của người dân địa phương liên tục bị các nhóm phiến quân cướp gia súc và uy hiếp đến tính mạng. Nhắc đến đây, tôi hồi tưởng đến những bài học mà các thầy, cô ở Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã dạy: Quan sát viên quân sự là tai, là mắt của Phái bộ; là những người trực tiếp đặt chân đến những vùng chiến sự, gặp gỡ tiếp xúc với người dân địa phương để tổng hợp thông tin nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, hoàn thành sứ mệnh ủy thác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với lực lượng gìn giữ hòa bình.

Thiếu tá Lê Thị Phương Dung (thứ 2 từ trái sang phải) và các thành viên Trạm quan sát viên quân sự Banton thảo luận, rút kinh nghiệm sau buổi tuần tra. Ảnh: XUÂN NAM

Trong suốt chuyến hành quân, đoàn chúng tôi đã đi qua nhiều ngôi làng khác nhau, gặp gỡ, trao đổi và thu thập thông tin về những phản ánh của người dân về việc mất an ninh, an toàn gần đây. Một bác nông dân dáng người gầy gò, khuôn mặt tiều tụy, đi chân trần đã kể với chúng tôi việc thường xuyên bị cướp gia súc, đánh đập, và thậm chí bị đe dọa, uy hiếp đến tính mạng. Người dân nơi đây nghèo đói, không có nhà máy hay xí nghiệp, không có ruộng đồng để canh tác, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào chăn thả gia súc và hái lượm những đồ ăn có sẵn trong các khu rừng hoang sơ.

Trước khi đến Phái bộ, tôi đã được nghe những câu chuyện như thế này, nhưng chưa thể hình dung được về thực trạng cuộc sống của người dân tại vùng chiến sự. Bởi lẽ tôi được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, trong thời bình khi đất nước không còn tiếng súng; những câu chuyện về thời chiến tranh chỉ được biết qua sách vở, những thước phim tư liệu và lời kể của bố.

Thiếu tá Lê Thị Phương Dung thực hiện công tác dân vận hỗ trợ học sinh địa phương. Ảnh: XUÂN NAM

 

 

 

Thiếu tá Lê Thị Phương Dung và lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ UNISFA thực hiện công tác dân vận hỗ trợ học sinh địa phương. Ảnh: XUÂN NAM

Tại khu vực Abyei, miền đất còn bộn bề chiến sự, nơi mà hạnh phúc của người dân được đong đếm qua từng bữa cơm hằng ngày thì tôi càng thấu hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, càng thêm trân trọng, biết ơn các thế hệ ông cha ta đã ngã xuống để thế hệ trẻ chúng tôi có được cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay. Bản thân tôi cũng như những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ luôn tự nhủ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế vì mục tiêu gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với mong ước hòa bình, ấm no, hạnh phúc sẽ đến với người dân khu vực Abyei.

Thiếu tá LÊ THỊ PHƯƠNG DUNG (từ Abyei)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.